Vấn đề quy hoạch sử dụng đất tầm quốc gia vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) và Ủy ban Kinh tế của QH, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT)… cùng các chuyên gia mổ xẻ mới đây cho thấy còn nhiều bất cập, lãng phí trong lĩnh vực này.
Cuộc đua… chỉ tiêu
Trong buổi họp của Ủy ban Thường vụ QH giữa tuần qua, thay mặt Chính phủ, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển trình bày tờ trình về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia (gọi tắt là quy hoạch). Theo đó, trong 10 năm qua (2000 - 2010), đã có 33 chỉ tiêu đạt trên 90% so với chỉ tiêu QH duyệt nhưng chủ yếu rơi vào đất ở tại đô thị; đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất khu, cụm công nghiệp; đất có mục đích công cộng... Do vậy, hầu hết các chỉ tiêu được QH giao về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của khối công nghiệp, dịch vụ đều vượt hoặc hoàn thành một cách “xuất sắc” về diện tích!
Nổi bật và gây nhiều lo ngại trong bảng thành tích này là chỉ tiêu QH giao cho Chính phủ đến năm 2010 có 72.000 ha đất dành cho khu công nghiệp (KCN) thì đến hạn các địa phương đã “tích cực” giao đất cho các KCN đạt 100%. Đến thời điểm này, cả nước có 267 KCN, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Trong 10 năm, diện tích đất lúa cả nước đạt 103,55% nhưng đã có 270.000 ha đất lúa nước được chuyển cho các mục đích khác. Ngoài ra, cả nước còn 28.000 ha đất của 650 cụm công nghiệp.
Hạ tầng KCN Thuận Yên (TP Tam Kỳ - Quảng Nam) sau hàng chục năm
đi vào hoạt động nay vẫn còn sơ sài. Ảnh: THÚY PHƯƠNG
Hiện cả nước có 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 662.249 ha, 28 khu kinh tế cửa khẩu với diện tích 500.000 ha. Điển hình của tình trạng “đua” vượt chỉ tiêu QH giao là đất ở tại đô thị đạt 120,72%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận: Nhiều địa phương, doanh nghiệp khi xác định nhu cầu sử dụng đất để lập quy hoạch, kế hoạch đã đưa ra những con số không phản ánh nhu cầu thực tế mà là các con số đăng ký để giữ chỗ, lấy phần dẫn đến tình trạng quy hoạch và kế hoạch không sát thực tế, quy hoạch treo...
Vì cộng đồng hay vì lợi ích nhà đầu tư?
Chiếm diện tích không kém so với đất KCN, cụm công nghiệp, việc sử dụng đất xây dựng sân bay, cảng biển, sân golf thời gian qua cũng được Ủy ban Kinh tế của QH nhìn nhận có quá nhiều bất cập. Đồng tình với nhận xét này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN - MT, cho biết: “Nhìn dưới góc độ sử dụng đất, trong số 59 dự án sân golf đã được giao hoặc cho thuê đất, chỉ có 13 chủ đầu tư sử dụng đất đúng mục đích, xây dựng đúng tiến độ và đúng quy hoạch chi tiết được duyệt, 46 chủ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chậm tiến độ hoặc sai quy định. Ngoài ra, chưa kể 27 sân golf nằm ngoài danh mục quy hoạch đã được duyệt”.
Đánh giá về 266 cảng biển lớn, nhỏ trải dài khắp cả nước, ông Đặng Hùng Võ cho rằng hầu hết là cảng nhỏ và manh mún, năng lực tiếp nhận hàng qua cảng rất thấp so với cảng của các nước khác trong khu vực, trong khi cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế thiếu rất nhiều. “Và thiếu cảng nước sâu lại dẫn đến các địa phương đua nhau làm. Đến nay, dự án xây dựng cảng nước sâu được bung ra đến mức bất hợp lý” - ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, cả nước ta hiện có 22 sân bay quốc tế (8) và nội địa (14) đang hoạt động. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành chưa có sân bay hoặc đã có nhưng không còn hoạt động đều đang có dự án khôi phục hoặc xây dựng sân bay cho địa phương mình và một cuộc đua sân bay rất có thể xảy ra trong tương lai. Điều này dẫn đến khả năng sử dụng đất lãng phí cho xây dựng sân bay.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng bản báo cáo do Bộ TN-MT trình bày có giải thích đất ở tại đô thị tăng cao vượt chỉ tiêu là do phát triển đô thị nhanh là chưa hoàn toàn chính xác: “Việc giao vượt chỉ tiêu đất cho các dự án xây dựng kinh doanh nhà ở tại nhiều địa phương là vì nhu cầu cao của nhà đầu tư chứ không phải nhu cầu thực của xã hội”.
Hiệu quả èo uột
Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng việc chuyển đổi 270.000 ha đất lúa nước cho các mục đích khác chưa được giải thích rõ ràng. Thậm chí, nhiều địa phương đã lấy đất lúa nước có năng suất cao để phát triển công nghiệp, đô thị trong khi có thể bố trí trên các loại đất khác.
Năm 2004, nguồn thu từ đất là hơn 17.000 tỉ đồng, năm 2005 gần 18.000 tỉ đồng, năm 2006 hơn 20.000 tỉ đồng, năm 2007 gần 37.000 tỉ đồng, năm 2008 hơn 40.000 tỉ đồng, năm 2009 gần 47.000 tỉ đồng và năm 2010 hơn 54.000 tỉ đồng.
(Nguồn: Bộ Tài nguyên - Môi trường) |
Đối với đất cụm công nghiệp, tình trạng cũng không sáng sủa hơn so với các KCN khi mới có 10.000 ha cho thuê, tỉ lệ lấp đầy bình quân đạt 44%. Cùng cảnh èo uột, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu chỉ đạt tỉ lệ sử dụng đất đạt khoảng 15%.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cảnh báo: “Nhiều nơi đang phát triển KCN, cụm công nghiệp theo hướng sử dụng ít lao động nhưng lấy nhiều đất nếu không sớm khắc phục sẽ là bi kịch”.
9 năm nữa, cả nước có 516 KCN ! Theo TS Lê Tuyển Cử, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2020, dự kiến sẽ thành lập và mở rộng thêm 249 KCN với tổng diện tích đất tăng thêm là 81.000 ha. Như vậy, nếu tính cả các KCN đã thành lập và số KCN hiện đã được đưa vào quy hoạch thì đến năm 2020 dự kiến cả nước sẽ có khoảng 516 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 153.000 ha. |
Bình luận (0)