Chi trả lãi suất 1,5%/năm
Ngày 13-5, tại phòng giao dịch ở quận Gò Vấp, TP HCM của NH B, khi phóng viên hỏi nếu gửi tiết kiệm 30.000 USD thì lãi suất thế nào? Sau khi trao đổi với đồng nghiệp, nhân viên phòng giao dịch thông báo lãi suất 1,5%/năm, kỳ hạn gửi 1 tháng. Nhân viên này giải thích thêm trong sổ tiết kiệm ghi lãi suất 0%, còn phần 1,5% sẽ được quy đổi sang VNĐ và thanh toán khi đáo hạn. “Mọi thỏa thuận về lãi suất tiền gửi USD chỉ cam kết bằng miệng” - nhân viên này nói.
Tương tự, tại phòng giao dịch trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp của NH T, nhân viên ở đây thuyết phục phóng viên gửi kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 0%, đến tháng thứ 2 sẽ có chính sách chi trả lãi suất. “Lúc này, NH không dám chi trả lãi suất vì NH Nhà nước vừa có lệnh cấm nhưng lúc khác, NH có thể thỏa thuận lãi suất tiền gửi USD với khách hàng” - nhân viên này giải thích.
Trong khi đó, nhiều NH khác ở TP HCM lại nghiêm chỉnh huy động USD với lãi suất 0%.
Lãi suất huy động VNĐ đang hấp dẫn hơn so với USD khiến nhiều ngân hàng lách quy định để giữ ổn định nguồn gửi ngoại tệ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy không được hưởng lãi suất nhưng nhiều người vẫn đến NH gửi USD không kỳ hạn. NH vẫn cho doanh nghiệp (DN) có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu vay USD, thời hạn vay phổ biến 3-4 tháng, lãi suất 3%-4,5%/năm. Như vậy, NH thương mại có thể sử dụng nguồn vốn USD đầu vào không kỳ hạn để cho vay từ 3 tháng trở lên. Đây là việc làm khá rủi ro bởi nếu người gửi đột ngột rút USD, NH sẽ gặp khó khăn về thanh khoản ngoại tệ. Để hạn chế rủi ro, gần đây, một số NH đã vay USD dài hạn từ nước ngoài, song không phải NH nào cũng được các đối tác đáp ứng.
Nên có giải pháp phù hợp
Theo TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH NH TP HCM), chính sách lãi suất huy động USD 0% đã ổn định được tỉ giá từ tháng 10-2015 cho đến nay, giảm tình trạng găm giữ và đầu cơ ngoại tệ. Hiện nay, lãi suất huy động VNĐ tăng lên 8% ở các kỳ hạn dài, tạo ra khoảng cách khá lớn giữa lãi suất USD và VNĐ. Trong khi đó, lãi suất vay USD dài hạn ở nước ngoài khoảng 2%/năm, nhu cầu USD của các NH vẫn cao. Từ đó, các NH vẫn có động cơ lách lãi suất huy động USD 0% để thu hút các nguồn vốn rẻ trong nước.
Đề cập đến lãi suất huy động USD, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định nhiều NH thương mại vẫn áp những mức lãi suất khác nhau nhằm giữ khách hàng gửi USD. Trong khi đó, NH thương mại vẫn cho DN vay USD. “Trong bối cảnh này, có lẽ nên có sự điều chỉnh để các NH không phải lách lãi suất huy động USD mà vẫn ổn định được thị trường tiền tệ” - ông Phước đề xuất.
TS Bùi Quang Tín khuyến nghị NH Nhà nước có thể nâng trần lãi suất huy động USD lên 0,5% - 1%. Khoảng cách giữa lãi suất USD trong và ngoài nước được rút ngắn sẽ giúp NH thương mại không còn động cơ lách trần lãi suất huy động USD, người dân sẽ gửi USD dài hạn hơn, hạn chế rủi ro thanh khoản.
Bình luận (0)