Theo kế hoạch, ngày 30-9, Thương xá Tax mới chính thức đóng cửa nhưng theo yêu cầu của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, thương xá phải ngừng kinh doanh từ 14 giờ ngày 25-9 để di chuyển hàng hóa đến địa điểm kinh doanh mới và bàn giao mặt bằng vào đầu tháng 10.
Tạm biệt mảnh đất lành
12 giờ ngày 25-9, loa phóng thanh truyền đi những thông điệp cuối cùng yêu cầu các tiểu thương nhanh chóng thu dọn hàng hóa, khách hàng hoàn tất các giao dịch mua bán. Ngoài đường, mưa rơi trắng xóa như góp thêm cho buổi chia tay những nỗi chạnh lòng. Không còn cảnh xôn xao cười nói, không còn những quầy kệ ăm ắp sắc màu, tiểu thương ai nấy lặng lẽ thu dọn hàng hóa.
Không giấu được đôi mắt rưng rưng, bà Nguyễn Nhiệm Mầu, chủ gian hàng nữ trang cao cấp ở tầng trệt của thương xá, cho biết trong hơn 27 năm mua bán, Thương xá Tax như là căn nhà thứ 2 của bà. “Đây là nơi đã làm nên thương hiệu Minh An Jewelry trong lòng du khách xa gần, nơi đã tạo ra nhiều hồi ức tốt đẹp mà có đi đâu tôi cũng không thể quên” - bà Mầu bày tỏ.
Ông Nguyễn Quốc Thuận - chủ thương hiệu Thành Phát Watch, có đến 30 năm gắn bó với thương xá - cho biết ông bắt đầu sự nghiệp là thợ sửa đồng hồ ngoài lề đường Lê Lợi. Sau đó, từ Thương xá Tax, nay đã thành ông chủ lớn chuyên kinh doanh hơn 20 thương hiệu đồng hồ nổi tiếng trên thế giới. “Với tôi, Thương xá Tax không chỉ đơn giản như người ta vẫn ví là “đất lành chim đậu” mà còn chứa đựng quá nhiều hồi ức của cả một quãng đời từ thơ ấu đến trưởng thành. Nay phải xa nó, cũng như nhiều người khác, sao tránh khỏi cảm giác thương nhớ, tiếc nuối” - ông Thuận bồi hồi.
Không chỉ những tiểu thương kinh doanh nhiều năm ở Thương xá Tax mà nhiều nhân viên bán hàng ở đây cũng không giấu được tâm trạng ngậm ngùi. Chị Hường, một nhân viên chuyên bán hàng thời trang trẻ em ở thương xá 9 năm, chia sẻ: “Ở đây dù là chủ, nhân viên hay bảo vệ, tạp vụ đều quen mặt nhau nên khi chia tay ai cũng quyến luyến. Rồi mỗi người sẽ đi theo một con đường riêng nhưng mọi kỷ niệm trong ngôi nhà chung Thương xá Tax vẫn còn mãi”.
Sau khi cùng đồng nghiệp chụp những tấm hình kỷ niệm, chị Hường mân mê mãi dải lan can uốn lượn, nơi có tượng đồng hình con gà trống như cố lưu giữ những ký ức thân thương. “Chỉ lát nữa thôi, khi cánh cửa kia kéo xuống, nơi này mãi mãi là kỷ niệm...” - chị Hường rưng rưng.
Sống mãi trong ký ức
Nỗi buồn không chỉ của riêng các tiểu thương. Là khách thường xuyên của Thương xá Tax, bà Hồng Tuyến, Việt kiều Mỹ, hồi tưởng: “Năm nào về thăm quê, tôi và gia đình đều ghé mua sắm tại Thương xá Tax, riết thành quen. Nơi đây lưu giữ quá nhiều kỷ niệm của tôi và gia đình. Về nước lần này, biết Thương xá Tax sẽ giải tỏa, tôi ghé lại chụp mấy tấm ảnh cuối cùng để lưu giữ hình ảnh của khu thương mại sầm uất suốt hơn 1 thế kỷ của TP HCM”.
Cũng như bà Tuyến, rất nhiều người đội mưa đến chứng kiến những giây phút cuối cùng của Thương xá Tax. Sảnh chính đông nghẹt người thay nhau chụp ảnh. Nhiều người cho biết họ không đến mua sắm mà chỉ để nán lại thật lâu cái không gian đã từng rất quen thuộc để khi xa rồi có cái mà nhắc nhớ nhau.
Trong những giờ phút cuối cùng của Thương xá Tax, chúng tôi gặp một đoàn khách Nhật vào tham quan. Anh Đại Dương, hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn, cho biết hầu như tuần nào anh cũng đưa du khách đến đây mua sắm, tham quan nên thuộc lòng từng gian hàng, từng nấc cầu thang. Anh Dương không giấu được vẻ bâng khuâng: “Hôm nay là ngày cuối cùng tôi dẫn khách vào đây. Tôi nói với họ rằng sắp tới Thương xá Tax sẽ biến thành đại công trường và những lần quay lại TP HCM tiếp theo, họ sẽ thấy một khuôn viên mới, hiện đại hơn rất nhiều. Dù vậy, với tôi, hình ảnh Thương xá Tax và những con người từng buôn bán nơi đây sẽ sống mãi trong ký ức…”.
Đúng 14 giờ, bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Thương xá Tax, đứng trước cửa chính 135 Lê Lợi đưa tay lên nút bấm cửa. Khi cánh cửa cuốn từ từ kéo xuống, nhiều tiểu thương và du khách mắt rưng rưng. Vậy là hơn 1 thế kỷ mua bán tại trung tâm sầm uất nhất TP HCM đã chính thức khép lại.
Nhiều tiểu thương tìm được mặt bằng mới
Khoảng 200 gian hàng kinh doanh tại Thương xá Tax sẽ được di dời đến các địa điểm: Lucky Plaza (38 Nguyễn Huệ), khu Union (Vincom Center Đồng Khởi) và Square đường Tôn Đức Thắng (quận 1).
Các tiểu thương cho biết tuần qua, sức mua tại Thương xá Tax giảm đến 80%. Phần lớn khách hàng chỉ đến tham quan chụp ảnh lưu niệm. Do đó, nhiều tiểu thương muốn di dời sớm để ổn định tình hình mua bán vào đầu tháng 10 tới tại các điểm kinh doanh mới.
Mong ngày tái ngộ
18 giờ ngày 25-9, hàng trăm tiểu thương cùng dự bữa tiệc chia tay với Ban Giám đốc và nhân viên Thương xá Tax. Mặc dù các bàn tiệc đứng được bố trí dọc theo sảnh tầng trệt nhưng hầu hết mọi người đều chọn chỗ đứng đối diện với màn hình lớn đang chiếu đoạn clip 130 năm hình thành và phát triển Thương xá Tax với những sự kiện, con người từ khi hình thành Thương xá Tax đến hôm nay.
Hàng trăm cặp mắt dõi theo cùng reo hò vỗ tay khi thấy trên màn hình những hình ảnh thân thương trong các cuộc sinh hoạt tập thể và công tác xã hội mà mình và những đồng nghiệp đã tham dự. Bà Trần Thúy Liên nghẹn ngào nói lời chia tay trong nước mắt. Với bà, được sống cùng với những tiểu thương trong suốt những tháng ngày qua là niềm hạnh phúc lớn lao. Bà Liên mong mỏi mọi người vẫn giữ được tình cảm gắn bó như hôm nay cho dù ngày mai mỗi người mỗi ngả.
Đại diện tiểu thương các lầu cùng bày tỏ tình cảm quyến luyến của mình đối với nơi mua bán hàng trăm tuổi này. Bà Phương, kinh doanh ngành hàng quần áo thời trang, cho biết điểm kinh doanh mới của bà cách Thương xá Tax có vài bước chân nhưng không hiểu sao bà cũng như nhiều tiểu thương khác “cứ bịn rịn cả tháng nay mà mỗi lần nhắc đến là khóc”.
Cùng nâng ly hẹn gặp lại Thương xá Tax trong diện mạo mới, các tiểu thương bày tỏ mong muốn việc thương xá này đóng cửa chỉ là phút nghỉ ngơi sau 134 năm liên tục hoạt động. Họ hy vọng một ngày không xa, tất cả cùng nhau trở lại mái nhà xưa với một diện mạo mới.
Buổi tiệc chia tay trở nên nghẹn ngào khi mọi người cùng chụp ảnh kỷ niệm, cùng hẹn nhau ngày gặp mặt. Với mọi người, Thương xá Tax sẽ sống mãi cùng người dân thành phố và đồng hành với sự phát triển không ngừng của TP HCM.
Bình luận (0)