Hồ hởi "khoe" sắp được Công ty Điện lực Hóc Môn trả hơn 1 triệu đồng tiền điện mặt trời từ trong 2 tháng gần đây, chị Võ Thị Ánh, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP HCM, cho biết gia đình chị đã "giải phóng" được nhiều thứ từ khi lắp hệ thống điện mặt trời hồi tháng 2.
Vừa xài vừa bán
"Cuối năm 2018, tôi tham gia Ngày hội gia đình tiết kiệm điện, nghe giới thiệu về chính sách cho điện mặt trời, chi phí đầu tư cũng hợp lý nên về bàn với ông xã lắp đặt" - chị Ánh kể và cho biết gia đình chị đã chi 95 triệu đồng lắp 5 KWp điện mặt trời. Kết quả là tiền điện mỗi tháng của gia đình chị từ hơn 800.000 đồng đã giảm xuống còn khoảng 400.000 đồng. Chưa hết, chị còn được công ty điện lực "thối" lại khoảng 700.000 - 800.000 đồng tiền bán điện mỗi tháng. "Sau khi gắn đồng hồ 2 chiều là cả nhà không còn bị áp lực tiết kiệm điện. Ông xã mua cho tôi bếp điện từ, mái nhà cũng mát hơn do tấm pin đã cản nhiệt. Một số bạn bè, anh em thấy nhà tôi lắp điện mặt trời có hiệu quả nên đã nhờ tôi hướng dẫn, chuẩn bị làm thủ tục lắp" - chị Ánh cho biết thêm.
Nhân viên Công ty Điện lực Hóc Môn kiểm tra, vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời cho khách hàng
Công ty Vật liệu xây dựng Sư Tử Biển (quận 1, TP HCM), một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tiên trên địa bàn TP HCM đầu tư điện mặt trời áp mái. Từ 4 năm trước, khi nhà nước chưa có chính sách về điện mặt trời, công ty này đã đầu tư và sử dụng điện mặt trời. Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc công ty, đến nay tổng công suất đầu tư đã lên đến 16 KWp, tạo ra trung bình 80 KWh điện mỗi ngày, trong khi nhu cầu hằng ngày của công ty là 90 KWh. "Từ năm 2018, tôi được ký thỏa thuận mua bán điện, lắp đồng hồ đo đếm 2 chiều để bán điện dư cho điện lực và đang chờ nhận tiền. Tôi đang cân nhắc đầu tư thêm để tiến tới đáp ứng 100% lượng điện tiêu thụ" - ông Tâm nói.
Vẫn còn vướng mắc
Theo ông Tâm, khách hàng khi lắp đặt điện mặt trời sẽ giảm thiểu chi phí tiền điện, tiến tới hóa đơn tiền điện bằng 0 đồng. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư chưa thật sự hấp dẫn vì ít nhất phải 6 năm mới hòa vốn, thiết bị năng lượng mặt trời đã rẻ hơn nhưng chất lượng thiết bị còn bị bỏ ngỏ. "Ví dụ 1 tấm pin năng lượng mặt trời được đánh giá tốt nhất thị trường hiện nay do Hàn Quốc sản xuất và tấm pin của Trung Quốc chênh lệch nhau chỉ 1-2 triệu đồng nhưng hiệu suất khác nhau xa. Vì vậy Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực cần hệ thống hóa, "gạn đục khơi trong" các công ty cung cấp thiết bị theo đúng chuẩn để mang lại lợi ích đầu tư và hiệu quả lâu dài cho người dân" - ông Tâm đề xuất.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) thừa nhận những đề xuất của ông Tâm rất xác đáng, phù hợp thực tế. Theo EVNHCMC, điện mặt trời mới triển khai tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây nên chưa thể đánh giá toàn diện chất lượng các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Trong khi đó, hiện nay có rất nhiều DN cung cấp và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý khách hàng e ngại, không dám lắp đặt sử dụng. Do vậy, rất cần nhà nước ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời áp mái nhà để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Cũng theo EVNHCMC, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai điện mặt trời áp mái, như: chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt thiết bị lên mái nhà; chưa có hướng dẫn về việc xử lý, tái chế tấm pin sau quá trình sử dụng... Quan trọng hơn, giá thành 1 KWp điện mặt trời còn cao, chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án điện mặt trời và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt điện mặt trời cho khách hàng.
Theo thống kê của EVNHCMC, hiện tại TP HCM đang có hơn 1.400 công trình điện mặt trời áp mái. Các công ty điện lực trực thuộc EVNHCMC đã ký hợp đồng, chốt chỉ số và quyết toán và bắt đầu chi trả tiền điện mua điện cho khách hàng.
Bình luận (0)