Ngày 10-10, thông tin với báo chí về giải pháp đảm bảo ổn định giá xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao thì cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp về thuế trong giá xăng dầu để "hạ nhiệt" giá mặt hàng này khi có biến động tăng mạnh
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.
Đối với trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp về thuế trong giá xăng dầu để "hạ nhiệt" giá mặt hàng này khi có biến động tăng mạnh.
Về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay quy định đối với 1 lít xăng như RON92 là 975 đồng, sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và đã thống nhất tăng lên 350 đồng. Như vậy, 1 lít xăng RON92 hiện nay thì chi phí định mức là 1.320 đồng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ, để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân.
"Chúng tôi đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu"- lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng, khi trong nước có 36 doanh nghiệp đầu mối.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đặt vấn đề làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất.
"Đây là một vấn đề đặt ra và chúng tôi cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý"- Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã đưa tin, tại kỳ điều hành ngày 11-10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí theo bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu doanh nghiệp đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) tại giá cơ sở xăng dầu.
Theo sự thống nhất của Liên Bộ, premium trong nước với xăng RON92 (xăng nền pha chế E5RON92), RON95 tăng 350 đồng, lên 1.320 - 1.340 đồng/lít; dầu diesel là 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON92 (xăng nền để phối trộn E5RON92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng/lít; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hoả, dầu mazut 0 đồng.
Thời gian qua, thị trường xăng dầu trong nước gặp bất ổn về nguồn cung, đặc biệt tại TP HCM và một số tỉnh, TP khu vực phía Nam. Nhiều cây xăng phải tạm ngừng hoạt động do không nhập được hàng, một số cây xăng khác phải hoạt động cầm chừng do gián đoạn nguồn cung. Trong khi đó, Bộ Công Thương vẫn khẳng định đảm bảo nguồn cung, thiếu xăng dầu chỉ là cục bộ ở một số thời điểm.
Bình luận (0)