Nguồn cung xăng dầu liên tục gặp trục trặc cho thấy công tác điều hành của cơ quan quản lý đã có vấn đề, cần phải nhìn nhận thấu đáo để sớm giải quyết dứt điểm các rối ren trên thị trường.
Xử nghiêm nhưng thiếu tính toán
Sau mỗi đợt bất ổn về nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đều lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa phương. Đợt thanh tra khi thiếu hụt nguồn cung xảy ra hồi đầu năm, có 7 doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu trong thời hạn từ 1 đến 1 tháng rưỡi. Đến tháng cuối tháng 8 vừa qua, khi một số DN trong 7 DN này được hoàn trả giấy phép thì tiếp tục có 5 DN khác bị xử phạt hành chính và hình phạt bổ sung cũng là tước giấy phép. Đáng chú ý, cả 5 DN nói trên đều hoạt động tại địa bàn các tỉnh, thành phía Nam và chiếm thị phần lớn trên thị trường.
Nhiều chuyên gia đồng tình với việc "làm nghiêm, xử nghiêm" các DN vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng khi tước giấy phép theo quyết định xử phạt, cơ quan điều hành cần có tính toán về nguồn cung xăng dầu, cân đối đủ cho thị trường để tránh thiếu hụt khi một số đầu mối không thể nhập hàng, cung ứng hàng cho hệ thống của mình khi đã bị tước giấy phép.
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) - 1 trong 5 DN đầu mối bị tước giấy phép - ngay khi biết tin đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương. Theo đó, Saigon Petro cho rằng với hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty sẽ gây ra hàng loạt hậu quả.
Cụ thể, Saigon Petro lo ngại hệ thống phân phối của DN bị mất nguồn cung trên 50.000 m3/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa. "Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế - xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp" - văn bản của Saigon Petro nêu rõ. DN này cũng nêu nguy cơ bị phạt hợp đồng với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000 m3 xăng dầu.
Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9; đồng thời hàng đã, đang trên đường về cảng Cát Lái (TP HCM). Công ty sẽ bị phạt tàu do không thể mở tờ khai nhập hàng để nhập hàng lên bồn và thông quan hàng hóa... Ngoài ra, việc dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến đời sống của 750 người lao động.
Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết theo quy định hiện hành, các cửa hàng nhượng quyền, bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập hàng từ một nhà phân phối. Nên khi DN đầu mối bị tạm tước giấy phép trong một khoảng thời gian nhất định, các đại lý, cửa hàng phía sau sẽ không có xăng dầu để bán. "Việc xử phạt nếu không tính toán các khả năng cung ứng nguồn hàng cho bán lẻ sẽ khiến nhiều nơi bị cắt nguồn hàng" - ông Thịnh nhấn mạnh và cho rằng cơ quan điều hành cần tính toán linh hoạt, bởi tổng thể nguồn cung từ nhập khẩu và trong nước thì đủ nhưng ở một số thời điểm, một số khu vực lại thiếu.
Trước kiến nghị của DN và những bất ổn về nguồn cung đã thấy rõ, Bộ Công Thương cho biết đối với 5 DN vừa có quyết định xử phạt ngày 31-8, trước mắt chỉ phạt tiền và tạm thời chưa tước giấy phép nhằm "bảo đảm nguồn cung cho sản xuất - kinh doanh và nhu cầu của 100 triệu dân". Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đã báo cáo vấn đề này lên Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương cũng đã họp để thảo luận, cho ý kiến để đưa ra giải pháp phù hợp.
Một cây xăng tại TP HCM treo bảng hết xăng RON 95 trong ngày 6-9. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Cần tính đúng, tính đủ vào giá
Trước kỳ điều hành giá đầu tháng 9, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có văn bản kiến nghị liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá đúng ngày 1-9, dù trùng vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh để sát với diễn biến thị trường thế giới. Tuy nhiên, kiến nghị này đã không được nhà chức trách chấp thuận, kỳ điều hành này lùi 4 ngày, được thực hiện vào ngày 5-9, phần nào đã khiến giá xăng dầu trong nước "lỡ nhịp" so với giá thế giới, DN đầu mối bị lỗ.
Đại diện một DN xăng dầu ở Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi việc điều chỉnh giá lùi 4 ngày, dù đúng quy định theo Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu nhưng khiến DN gặp khó khăn về nguồn cung, lỗ càng thêm lỗ khi chiết khấu bị hạ xuống rất thấp. Cũng theo DN này, với diễn biến thị trường thế giới, việc điều hành lùi đến ngày 5-9 thì giá xăng giảm, đảo chiều so với dự báo nếu điều hành giá đúng ngày 1-9.
Trong nhiều lần trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cho rằng công tác điều hành xăng dầu cần linh hoạt hơn, không nên máy móc về thời điểm điều hành như vừa qua, thời gian nghỉ lễ kéo dài tới 4 ngày, diễn biến thị trường có thể thay đổi, ảnh hưởng đến tâm lý của DN. Theo ông Long, việc điều hành thiếu linh hoạt dẫn đến việc một số DN lấy cớ khan hàng để găm hàng hoặc bán nhỏ giọt, làm ảnh hưởng cung cầu thị trường và an ninh năng lượng.
Đại diện một DN đầu mối xăng dầu nói thẳng chính việc điều hành xăng dầu trong nước không theo kịp diễn biến thế giới, thậm chí có phần lúng túng đã gây thiệt hại lớn cho DN, ảnh hưởng tới nguồn cung trên thị trường.
Đồng ý với nhận xét trên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra việc cơ quan điều hành khi tính giá cơ sở đã không tính đúng, tính đủ đã gây khó khăn cho DN. Như mặt hàng xăng, chi phí hiện nay được đẩy lên cao để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO 5, chi phí logistics cũng từ 1 USD/thùng lên 2-3 USD/thùng nhưng cơ quan điều hành không tính vào giá xăng dầu khiến DN đầu mối gánh lỗ trong thời gian dài. "Do đó, thời gian tới, cơ quan điều hành giá xăng dầu cần tính đúng, tính đủ để DN có được mức lãi hợp lý. Từ đó sẽ giải quyết được tình trạng gián đoạn nguồn cung như vừa qua" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh góp ý.
Quy định chưa phù hợp?
Trong đơn kiến nghị, Saigon Petro còn cho biết một trong những căn cứ để cơ quan thanh tra ra quyết định xử phạt là do DN không đáp ứng đủ điều kiện hệ thống phân phối xăng dầu khi bị thanh tra về việc đáp ứng điều kiện hoạt động của DN trong năm 2021 và 2022, chứ không phải vi phạm về cung ứng xăng dầu.
Theo Saigon Petro, năm 2021, hệ thống phân phối của DN này có hơn 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu. Một công ty cổ phần do Saigon Petro sở hữu 40% vốn điều lệ có 32 cửa hàng trực thuộc. DN còn có 73 thương nhân nhận quyền bán lẻ, 47 thương nhân phân phối, không có tổng đại lý và đại lý. Vì không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ, cho nên đoàn thanh tra Bộ Công Thương đã kết luận công ty có hành vi vi phạm hành chính khi không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Sau kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương, Saigon Petro cho rằng 2 hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối. DN này dẫn Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã quy định: "Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của DN; tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân". Căn cứ theo quy định này, Saigon Petro khẳng định DN đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối bởi luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, theo luật thì DN đầu mối không cần thiết phải có mạng lưới phân phối riêng, họ có thể ký hợp đồng nhượng quyền để phân phối xăng dầu. Theo đó, bên nhượng quyền cũng giống như công ty con của họ, phải tuân thủ đầy đủ các quy định, quy trình, cũng như bán đúng giá, có trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ DN đầu mối. "Trên thế giới họ cũng xem bên nhận nhượng quyền giống như bên cho nhượng quyền. Do đó, việc xử lý DN đầu mối xăng dầu vi phạm điều kiện như đã nêu cần phải được xem xét lại" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị.
Ngoài ra, quy định mỗi DN bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một đầu mối, không được lấy hàng từ đầu mối khác cũng khiến nguồn cung xăng dầu thêm căng thẳng mỗi khi có sự cố. Chính vì vậy, cửa hàng bán lẻ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa cơ chế để được ký hợp đồng với nhiều đầu mối, vừa tăng cạnh tranh vừa đáp ứng được nguồn hàng trong những trường hợp xảy ra trục trặc về nguồn cung.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-9
Bình luận (0)