Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa công bố bảng tính giá cơ sở theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, sau quyết định tăng thuế từ ngày 8-5, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đang lỗ nhẹ ở hầu hết các mặt hàng.
Giá thế giới ổn định, giá cơ sở tăng
Theo một chuyên gia, nếu tính theo giá xăng dầu thế giới từ ngày 16-4 đến 15-5 thì bình quân giá cơ sở đối với xăng A92 là 23.479 đồng/lít, dầu DO 0,05 là 21.293 đồng/lít. Như vậy, so với giá bán lẻ hiện hành thì giá cơ sở đang cao hơn 149 đồng/lít đối với xăng A92 và 43 đồng/lít đối với dầu DO 0,05.
Nếu so sánh giá bình quân 2 giai đoạn trước và sau khi điều chỉnh thuế thì giá thế giới cơ bản không có sự thay đổi lớn. Cụ thể, giá xăng A92 ở Singapore giai đoạn ngày 8-4 đến 7-5 là 108,508 USD/thùng, từ ngày 16-4 đến 15-5 là 108,836 USD/thùng. Với mặt hàng dầu DO 0,05, chênh lệch giá theo tính toán 2 giai đoạn trên tương ứng là 115,080 USD/thùng và 114,674 USD/thùng. Như vậy, biên độ thay đổi không lớn, thậm chí giá thành còn có xu hướng giảm nhẹ.
Theo một DN xăng dầu đầu mối phía Nam, khi vừa có quyết định tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên 19% thì DN xăng dầu hòa vốn. Gần đây, giá cơ sở nhích lên nhưng không đáng kể. “Chênh lệch 400-500 đồng/lít mới có thể đề xuất phương án tăng giá. Hiện tạm thời giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu, các DN sẽ tùy từng trường hợp điều chỉnh chiết khấu hoa hồng cho các đại lý” - vị đại diện này cho biết.
Thuế 19% là quá cao!
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, về nguyên tắc, thuế nhập khẩu là một trong những công cụ để hài hòa lợi ích 3 bên là Nhà nước, DN và người dân. Trong trường hợp cần bảo vệ lợi ích quốc gia, thuế sẽ tăng lên để bảo đảm nguồn thu ngân sách.
Ông Phong cho biết thu ngân sách những tháng đầu năm 2013 giảm nên một trong những cách tốt nhất để bù là tăng thuế nhập khẩu xăng dầu. “Áp lực thu ngân sách hiện nay là rất căng thẳng nên việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu là điều dễ hiểu. DN và người dân chia sẻ để ngân sách có sự cân đối, đó cũng là sự phù hợp nhất định” - ông Phong nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu là biện pháp hy sinh lợi ích của người dân và DN để tăng thu cho ngân sách. “Tôi thấy biện pháp tăng thuế nên được đưa ra Quốc hội thảo luận, không phải cứ thấy xăng dầu thế giới giảm mà tăng vô hạn độ thuế nhập khẩu. Theo tôi, mức tăng đến 19% như hiện nay là quá cao” - ông Doanh nhìn nhận.
3 phương án điều hành giá xăng dầu Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, có 3 phương án điều chỉnh giá xăng dầu: Thứ nhất, việc tăng - giảm giá được điều chỉnh cách nhau 15 ngày. Nếu giá cơ sở giảm dưới hoặc bằng 6% so với giá bán lẻ hiện hành thì DN phải giảm giá tương ứng; nếu giá giảm trên 6% thì DN vẫn tiếp tục giảm giá bán lẻ, cơ quan thẩm quyền sẽ tăng thuế nhập khẩu, tăng quỹ bình ổn giá. Trường hợp giá cơ sở tăng dưới hoặc bằng 5%, DN được tăng giá bán lẻ tương ứng. Thứ hai, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ công bố giá trần bán lẻ áp dụng trong từng tháng. DN có quyền tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần. Thứ ba, mức trần giá bán lẻ xăng dầu cho cả năm sẽ được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. Mức này được tính bằng giá cơ sở trung bình năm trước cộng với mức trần tăng giá. Mức trần tăng giá tính bằng giá cơ sở trung bình năm trước nhân với CPI dự kiến trong năm của Chính phủ. |
Bình luận (0)