Một liên doanh Nhật Bản vừa khai trương một cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội với 100% vốn nước ngoài, là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tham gia vào thị trường kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam với cái tên Idemitsu Q8 Petroleum (IQ8), với cam kết độ đong đo chính xác lên tới 0,01 lít. Nguồn cung được đáp ứng bởi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cửa hàng xăng dầu đầu tiên của Nhật tại Việt Nam đang thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Ảnh: THÙY DƯƠNG
Dân tình xôn xao không phải vì đây là một công ty nước ngoài lần đầu tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu trực tiếp, mà là hình ảnh một tổng giám đốc cúi đầu dưới mưa như một lời tri ân đến khách hàng. Điều mà trước đây các "thượng đế" có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ tới sẽ xảy ra ở một cửa hàng xăng dầu. Nhưng cũng có nhiều người nói đó chỉ là phong cách cơ bản của người Nhật, ngay kể cả ở Nhật họ cũng làm thế. Có gì đâu mà ngạc nhiên? Sao cứ sùng bái và quay ngoắt với hàng Việt Nam? Vì theo họ, "Người Việt dùng hàng Việt" mới là người yêu nước.
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu tại TP HCM nói: "Chuyện cây xăng Nhật ở Hà Nội, tôi thấy rất bình thường, nhiều người đang tung hô quá lên. Đặc biệt, thao tác cúi gập người để chào khách hàng là phong tục của người Nhật, không phải của người Việt Nam. Cũng như vào nhà hàng Nhật, nhân viên cúi gập người hay nhà hàng Thái nhân viên chắp tay vái còn nhà hàng Việt chỉ mỉm cười chào đều thể hiện sự trân trọng".
Theo doanh nghiệp này, nhân viên bán xăng chỉ cần ăn mặc lịch sự, bán hàng đúng quy trình, thái độ nhã nhặn, không gian lận, không cãi nhau hay hỗn hào với khách là đạt yêu cầu.
Ngay trong lúc hình ảnh vị tổng giám đốc IQ8 đứng cúi chào khách đổ xăng khiến nhiều người ngưỡng mộ thì các cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Petrolimex lại đồng loạt căng băng rôn với khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Cùng lúc đó, báo chí đưa tin về việc công an tỉnh Nghệ An vừa phá thành công một chuyên án chế biến xăng A92 giả bằng cách pha xăng A92 với dung môi pha sơn, cộng thêm chất tạo màu. Con số ước tính khoảng 2 triệu lít, có nêu đích danh tên và địa chỉ các cửa hàng xăng dầu có tham gia. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng vì còn phải đợi cơ quan chức năng điều tra.
Sự việc này khiến người tiêu dùng liên tưởng việc gần đây nhiều ô tô hay xe máy bất ngờ bốc cháy khi đang lưu thông. Rồi cả những bài báo phanh phui các cửa hàng xăng dầu gian lận số lượng bằng cách gắn chip hoặc thủ công, thậm chí đánh tráo cả tiền thừa lúc đếm trả lại cho khách hàng.
Xăng dầu là loại mặt hàng rất thiết yếu trong cuộc sống hiện nay, cho nên dù giá có đắt hay rẻ thì người tiêu dùng cùng lắm cũng chỉ tự biết phàn nàn, than trách nhưng rồi cũng phải mua. Nhưng nếu thị trường có sự cạnh tranh, người tiêu dùng chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Vậy chúng ta nên hoan nghênh mới đúng chứ? Chỉ có cạnh tranh mới có sự lựa chọn.
Và ít ra cũng đã có doanh nghiệp nhận ra điều này. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển công nghiệp thương mại Củ Chi (Cidico), bộc bạch: "Tôi theo dõi rất sát sự việc cây xăng Nhật tại Hà Nội và hiện đang họp bàn với các đại lý của mình để sớm thực hiện đổi mới nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn. Chuyện đổi mới chúng tôi đã nghĩ đến từ lâu nhưng triển khai chậm do sức ì trong môi trường bao cấp, độc quyền. Nhưng lần này thì không thể chần chừ được nữa. Bây giờ họ mới có 1 điểm bán nhưng vài năm nữa, họ có thể có cả chuỗi. Không chỉ doanh nghiệp Nhật mà còn nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác. Họ có lợi thế về vốn, họ có thể mua những chuỗi cây xăng của Việt Nam để lớn lên. Khi đó, nếu doanh nghiệp Việt yếu chỉ có con đường chết hoặc bị thâu tóm".
Thay đổi cung cách phục vụ
Ông Nguyễn Văn Tâm cho biết trong khả năng của mình, công ty của ông sẽ sửa sang lại các cửa hàng để khách hàng cảm nhận được sự sạch sẽ, văn minh, hiện đại. Đặc biệt sẽ thay đổi trong cung cách phục vụ, để từng nhân viên bán hàng thể hiện sự trân trọng khách hàng, biết nói lời cảm ơn khách để họ thấy vui khi rời cây xăng.
Bình luận (0)