Khi trụ bơm xăng làm “kiểng”
Ông Nguyễn Văn Thường, quản lý cửa hàng xăng dầu Hoàng Nguyên, 276 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, cho biết: Cửa hàng có một trụ bơm xăng E5 nhưng bán rất ít. “Lâu lâu mới có một ô tô ghé đổ xăng này còn xe máy thì năm thì mười họa mới có người dừng xe ngay trụ bơm E5 nhưng có thể họ cũng không quan tâm đó là xăng gì”- ông Nguyễn Văn Thường phân trần.
Các đại lý xăng dầu cho biết: Sở dĩ xăng E5 chưa thu hút được người tiêu dùng là do số cây xăng có trụ bơm xăng E5 còn quá lèo tèo; việc quảng bá lợi ích của sản phẩm này còn hạn chế. Nhiều chủ cây xăng không mặn mà nhận xăng E5 về bán do sức tiêu thụ thấp sẽ không hiệu quả so với bán các loại xăng thông thường. Hiện PV Oil là đơn vị có trụ bơm xăng E5 nhiều nhất nhưng cũng chỉ với 150 điểm tại 34 tỉnh - thành. Saigon Petro chỉ có 3 điểm bán, Công ty CP Vật tư Xăng dầu Comeco có 5 điểm bán đều đặt tại TPHCM.
Thiếu chính sách hỗ trợ
Khi được đề cập về vấn đề phát triển kinh doanh xăng E5, ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro, trả lời thẳng thừng là không muốn phát triển thêm nữa vì càng bán càng lỗ. Ông Sang cho biết: “Hiện nay mỗi lít xăng E5 bán ra thị trường, đơn vị bị lỗ thêm 50 đồng so với xăng Ron 92”. Điều này cũng được ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng Giám đốc PV Oil, xác nhận là “kinh doanh xăng E5 bị lỗ quá nhiều nên thường xuyên phải bù lỗ”.
Được biết hồi mới đưa ra thị trường, giá bán xăng E5 luôn thấp hơn xăng Ron 92 khoảng 700 đồng/lít. Tuy nhiên, các DN không thể duy trì được lâu do mặt hàng này bị lỗ nhiều nên phải điều chỉnh mức chênh lệch xuống còn 500 đồng, rồi xuống tiếp 200 đồng/lít và hiện nay mức chênh lệch chỉ còn 100 đồng/lít. Chính vì vậy người tiêu dùng sử dụng xăng E5 hiện không còn được hưởng lợi nhiều. “Mỗi lít xăng họ chỉ tiết kiệm được 100 đồng thì không có ý nghĩa gì nên không khuyến khích họ mua xăng E5 là điều dễ hiểu”- chủ một cây xăng giải thích.
Theo các đơn vị kinh doanh xăng dầu, giá cồn ethanol (tỉ lệ pha cồn trong xăng E5 là 5%) hiện lên đến 18.000 đồng - 19.000 đồng/lít (tùy thời điểm) so với giá xăng Ron 92 chỉ rẻ hơn khoảng 1.000 đồng/lít. Thế nhưng, việc đưa cồn vào hệ thống pha chế lại khá tốn kém. Đây cũng là lý do khiến nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa đưa xăng E5 vào kinh doanh, kể cả Petrolimex, đơn vị đang chiếm khoảng 60% thị trường bán lẻ xăng dầu.
Ông Đặng Vinh Sang cho rằng để khuyến khích kinh doanh mặt hàng xăng sinh học nói chung và xăng E5 nói riêng, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ DN về thuế, phí, vốn đầu tư trang thiết bị... thì mới có thể hy vọng loại xăng nhiều lợi ích này trở nên thông dụng.
Lợi ích của xăng E5 Theo giới chuyên môn, các loại động cơ nổ sử dụng các loại xăng thông dụng lâu nay thường thải ra nhiều chất gây ô nhiễm môi trường (cacbon ôxít, hydro cacbon, nitơ ôxit). Nhưng đối với xăng sinh học có nguồn gốc từ thực vật (trong đó có xăng E5) sẽ hạn chế được lượng khí thải độc hại ra môi trường. Ngoài ra, với xăng thông thường, do đốt không hết dễ dẫn đến lãng phí nhiên liệu, còn xăng sinh học đốt cháy tốt hơn sẽ tiết kiệm được nhiên liệu khi vận hành... |
Bình luận (0)