Sau 2 quý liên tiếp báo lỗ, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Xây dựng Hoà Bình, mã chứng khoán: HBC) thông báo đã có lãi trở lại trong quý II/2023. Nguồn lãi đến từ biên lợi nhuận gộp tăng đột biến 18% và tiền thanh lý tài sản.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý II/2023 của Xây dựng Hòa Bình cho thấy doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 2.300 tỉ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng biên lợi nhuận gộp đã tăng 18% lên 423 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chưa tới 10%.
Dù vậy, Xây dựng Hòa Bình vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 70 tỉ đồng. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu tài chính giảm và chi phí quản lý bán hàng tăng mạnh do trích lập dự phòng phải thu khó đòi 317 tỉ đồng.
Điểm sáng hiếm hoi trong quý này là khoản lợi nhuận khác 653 tỉ đồng, phần lớn đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, vật tư trong kỳ. Nhờ đột biến từ lợi nhuận thanh lý tài sản, Xây dựng Hòa Bình lãi ròng 547 tỉ đồng, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ.
Với mức lỗ ròng trong quý I, lãi ròng lũy kế 6 tháng đầu năm của nhà thầu này là hơn 103 tỉ đồng, tăng 80%. Dù vậy, so với kế hoạch lãi sau thuế 125 tỉ đồng đề ra cho cả năm, công ty đã thực hiện được hơn 81% chỉ tiêu.
Một số dự án mà Xây dựng Hòa Bình đã thi công
Đáng chú ý, báo cáo có phần ghi nhận việc nhận chuyển nhượng 88 sản phẩm bất động sản từ 2 chủ đầu tư. Trong đó, Xây dựng Hòa Bình đã nhận chuyển nhượng tổng cộng 58 sản phẩm bất động sản thuộc hai dự án Nova Phan Thiết, Nova Hồ Tràm của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) với tỉ lệ được ghi nhận 100%; nhận chuyển nhượng 30 lô đất nền tại Đà Nẵng (tỉ lệ 87,5%) của Sungroup.
Trước đó, Xây dựng Hòa Bình là đối tác chiến lược của Novaland, đóng vai trò là nhà thầu chính tại nhiều dự án của chủ đầu tư này.
Trong giai đoạn vừa qua, Xây dựng Hòa Bình đã liên tục công bố việc tái cấu trúc và thanh lý tài sản để lành mạnh hóa tài chính công ty. Tập đoàn này đã tìm được đối tác tham gia mua cổ phần phát hành, triển khai bán tài sản cố định…
Trong giai đoạn khó khăn vừa qua của thị trường bất động sản, việc chủ đầu tư bị nợ, tổng thầu khó khăn, nhà thầu phụ cũng "khổ"… thì chuyện nhận chuyển nhượng qua lại theo hình thức kinh doanh hay chấp nhận "cấn trừ nợ" cũng có thể được cho là giải pháp tối ưu, giải quyết việc nợ tồn đọng và thanh khoản của thị trường bất động sản. Nếu thị trường khởi sắc trở lại, khó khăn của các bên có thể sớm vượt qua.
Cổ phiếu HBC vẫn trong tình trạng bị hạn chế giao dịch, chỉ giao dịch phiên chiều. Giá đóng cửa phiên 31-7 của HBC là 10.700 đồng/cổ phiếu (tăng 700 đồng).
Bình luận (0)