Ngày 15-11, tại buổi công bố thông tin về việc Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), khẳng định việc này sẽ tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu qua biên giới vào nước ta.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cung cấp thông tin cho báo chí sáng 15-11
Theo ông Nguyễn Quang Huyền, Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động tại Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Cùng với đó, Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN (Nghị định thư số 5) đã được các Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN ký kết từ năm 2001. Theo đó, chủ xe cơ giới từ các nước ASEAN quá cảnh tại Việt Nam hay Việt Nam là nước đi đến cuối cùng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Nghị định thư số 5 yêu cầu mỗi nước thành viên thành lập Cơ quan quốc gia để thực hiện cấp đơn bảo hiểm, thẻ xanh và hỗ trợ giải quyết tai nạn (điều tra, giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, đòi người thứ ba, giải quyết tranh chấp theo đúng quy định pháp luật) do xe sở hữu thẻ xanh gây ra trên lãnh thổ nước thành viên đó.
Ông Huyền cũng cho biết Bộ Tài chính đã thành lập Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 (VINABAI) để triển khai các công việc liên quan. Theo ông Huyền, việc Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI (ASEAN compulsory motor insurance system) được hiểu là chuyển từ quá trình bán bảo hiểm bằng giấy (thông qua các đại lý) lên môi trường trực tuyến. Nhờ đó, các chủ xe cơ giới khi có nhu cầu quá cảnh tại Việt Nam có thể mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bằng phương thức online.
Thông tin thêm về việc Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch VINABAI, cho biết ACMI là hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN, được sử dụng làm cơ sở dữ liệu trung tâm để các nước thành viên tham gia hệ thống cấp đơn bảo hiểm. Hệ thống này được sử dụng chính thức tại các quốc gia ASEAN.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc trước khi triển khai hệ thống trực tuyến, thì việc bán bán bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với các nước ASEAN triển khai như thế nào?, đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (doanh nghiệp được Bộ Tài chính giao để triển khai Nghị định thư số 5) cho biết doanh nghiệp này đặt đại lý tại khu vực các cửa khẩu, nhưng "kết quả bán bảo hiểm không cao, doanh thu không nhiều".
Theo đại diện Bảo Việt, thực tế này dẫn đến một số trường hợp xe các nước ASEAN khi vào Việt Nâm gây tai nạn nhưng do chưa có bảo hiểm, nên không có đủ chi phí để bồi thường cho nạn nhân trong các vụ tai nạn này. Do vậy, phía Bảo Việt kỳ vọng với hệ thống trực tuyến, việc tham gia bảo hiểm bắt buộc này sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Trước những băn khoăn về thủ tục giải quyết bồi thường, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, cũng thông tin thêm: Theo Nghị định 67, các quy trình, thủ tục bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã đơn giản hơn trước, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Đối với bảo hiểm dành cho chủ xe của các nước ASEAN, do có khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, phía công ty bảo hiểm sẽ nghiên cứu quy trình để đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm trong quá trình xem xét bồi thường theo quy định.
Bình luận (0)