Một là, tập trung vào những mặt hàng lớn vì các mặt hàng này sẽ tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn và giải quyết nhiều lao động. Hai là, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chưa lớn nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh, có tiềm năng dồi dào, không hoặc chưa bị hạn chế về thị trường và hạn ngạch. Theo tiêu chí đó, những mặt hàng cần đẩy mạnh bao gồm: dầu thô, gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa. Đó là những nội dung chính của hội nghị xuất khẩu 6 tháng đầu năm do Bộ Thương mại tổ chức ngày 15-6 tại TPHCM.
Bức tranh thủy sản đang đi ngược
Theo báo cáo của Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 980 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2003. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Thủy sản VN lại cho rằng, xuất khẩu chỉ đạt khoảng 927 triệu USD, bằng 99,46% so với cùng kỳ năm 2003. “Bức tranh xuất khẩu thủy sản đang đi ngược lại những năm trước”. Đây là lần đầu tiên trong 24 năm xuất khẩu thủy sản giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng vụ kiện bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ nên quý I tăng nhưng quý II giảm hẳn. Doanh nghiệp (DN) không dám xuất hàng đi Mỹ vì chưa biết mức thuế đánh là bao nhiêu. Bên cạnh đó, giá hầu hết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều giảm. Đơn cử, tôm giảm 12,9%, cá giảm 19,6%, hải sản khô giảm 12,6%, mực và bạch tuộc giảm 7,6%... Không chỉ riêng EU, Mỹ mà Nhật cũng “bắt” các DNVN phải “trình” xuất xứ sản phẩm. Đây là thách thức rất lớn đối với các DN vì ta chưa mã hóa sản phẩm thì không thể trình được xuất xứ sản phẩm.
Bức xúc của DN: Thiếu quota...
Đại diện các DN dệt may tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay Bình Dương có 73 DN xuất khẩu hàng dệt may, giải quyết 23.318 lao động. Tuy nhiên, đã có 1.300 lao động bị mất việc do hết quota. Bộ Thương mại cũng thừa nhận “số lượng quota còn lại chỉ đủ cho các DN xuất khẩu đến tháng 8 tới”. Ông Nguyễn Đình Trường, Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến, cho biết: Tất cả các DN dệt may đang rất lo lắng không biết việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2005 như thế nào. Nhiều đối tác nước ngoài có ý định đặt hàng cho Việt Tiến xuất khẩu vào tháng 1 và 2-2005 nhưng chúng tôi không dám trả lời vì chưa biết cơ chế phân bổ quota vào thị trường Hoa Kỳ năm tới như thế nào. Đối với một số cat nóng như 338/348, 347/348, 647/648... hiện đã thực hiện được hơn 50% nên sẽ thiếu quota vào những tháng cuối năm là chắc chắn. Để chữa cháy vấn đề thiếu quota, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu cho biết, bộ đang đàm phán với Hoa Kỳ để vay thêm quota của năm 2005 và sẽ thưởng xứng đáng cho các DN xuất khẩu hàng vào thị trường phi quota. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa biết số lượng quota của năm 2005 nên chưa thể “nói gì”. Như vậy, các DN vẫn phải sản xuất “cầm chừng” và nhiều hợp đồng sẽ bị bỏ lỡ.
Trăm dâu đổ đầu... DN
Hiện nay Nhà máy Thuộc da Cần Thơ đang xuất khẩu da sang Ý, đây là một điều đáng tự hào bởi Ý là thủ phủ của da. Tuy nhiên, thủ tục xuất nhập khẩu da rất phức tạp và mất thời gian. Do phải nhập da từ nhiều nước như
Ông Nguyễn Đình Trường kể, Việt Tiến một ngày đăng ký bình quân khoảng 70 bộ tờ khai xuất nhập khẩu ở chi cục hải quan quản lý hàng gia công, nhiều bộ tờ khai nhập dày hàng trăm trang. Để hoàn thành bộ hồ sơ này DN phải tính toán cả ngày trời, nếu như hải quan cũng làm tương tự thì mất rất nhiều thời gian. DN chờ đến bao giờ...? Ông Trường cũng cho biết, Việt Tiến được chọn thí điểm khai báo hải quan qua mạng nên đã đầu tư hệ thống máy vi tính nối mạng với hải quan nhưng việc quản lý xuất nhập khẩu bằng vi tính của hải quan vẫn phải kèm theo sổ. Như vậy càng mất thời gian của cả 2 bên. Cũng theo ông Trường, hạ tầng cơ sở cho sản xuất của VN không theo kịp với xuất khẩu (cảng biển, container, sân bay, kho bãi, tàu...), đã làm chậm tiến độ giao hàng và ảnh hưởng tới uy tín của DN.
Tiềm năng: Có, nhưng phải được... đánh thức
Theo Thứ trưởng Mai Văn Dâu, phân tích một cách khoa học tất cả các vấn đề về thực lực, tiềm năng thì xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng như dự kiến. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là “đánh thức tiềm năng”, và điều này phụ thuộc vào chính các DN. DN phải chủ động đi tìm kiếm khách hàng chứ không chờ khách đến. Bộ Thương mại sẽ báo cáo Chính phủ mở thêm các trung tâm xúc tiến thương mại ở những nước mà DN xuất khẩu vào để giúp đỡ DN trong vấn đề tìm đối tác, ký hợp đồng.
Bình luận (0)