Trong đó có một kiến nghị đáng chú ý là xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền tại các dự án phát triển nhà. Đây được xem là giải pháp tái sử dụng và nếu được chấp thuận sẽ có tác động mạnh đến thị trường bất động sản (BĐS).
Biệt thự bỏ hoang
Theo báo cáo chính thức của Bộ Xây dựng, kết quả kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở tại 18 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội cho thấy nhiều dự án đô thị có tỉ lệ nhà ở đưa vào sử dụng đạt thấp, đặc biệt là các nhà ở loại biệt thự, nhà liên kế. Báo cáo cũng nêu rõ trong khi căn hộ nhà chung cư cao tầng có tỉ lệ đưa vào sử dụng đạt xấp xỉ 100% thì tỉ lệ nhà ở liên kế đưa vào sử dụng đạt 80% và tỉ lệ nhà biệt thự đưa vào sử dụng mới đạt 58% (42% số biệt thự hiện đang bị bỏ hoang - PV).
Đặc biệt, theo Bộ Xây dựng, hiện tượng đầu cơ, tích trữ tài sản còn phổ biến tại các dự án có nhà bỏ hoang. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chủ yếu là phương thức triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở hiện nay còn nhiều bất cập, đáng nói là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô nên dẫn tới nhà bỏ hoang tràn lan.
Chấm dứt cơ chế “xin-cho”
Theo phân tích của ông Nguyễn Hồng Quân, các dự án phát triển nhà ở hiện nay chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng hoặc bán nhà xây thô để người dân tự hoàn thiện dẫn đến có nhiều dự án không hình thành đô thị hoàn chỉnh như quy hoạch. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác, gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và tạo tác động xấu tới dư luận xã hội.
Thị trường sẽ “căng”
Ủng hộ sự kiên quyết của Bộ Xây dựng song ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà Thăng Long, nhìn nhận nếu biện pháp này chính thức áp dụng sẽ làm khó thêm thị trường BĐS vốn đang trầm lắng hiện nay. Ông Việt lý giải: “Nhà nước quản lý quyết liệt ngăn chặn, tình trạng đầu cơ BĐS sẽ giảm đi và thị trường sẽ bớt sôi động”. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng ngăn chặn được biệt thự bỏ hoang sẽ giúp cho tiền đầu tư được đưa vào lưu thông, có hiệu quả hơn mà không “chết dí” một chỗ. Thậm chí phải thật sự quyết liệt, làm đến nơi đến chốn.
Theo nhiều chuyên gia địa ốc, chủ trương quyết liệt của Bộ Xây dựng chắc chắn sẽ tác động đến thị trường BĐS và theo chiều hướng xấu hơn hay tốt lên là chưa rõ nhưng việc tiến tới dừng cho phép chia lô, bán nền là phù hợp với cách làm của nhiều nước trên thế giới.
Chỉ nên dùng 2 hình thức phát triển bất động sản Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm, việc chia lô, bán nền thực chất là bán đất chứ không phải bán BĐS.
Trong Luật Kinh doanh BĐS, không có quy định về việc mua bán đất, tuy luật có quy định việc bán đất nền nhưng không quy định là nền trong dự án BĐS.
Phát triển BĐS chỉ nên có 2 hình thức là xây dựng nhà để bán và mua đi bán lại nhà đã có. Còn dạng bán nhà xây thô cũng không đúng theo quy định, không ích lợi cho xã hội mà còn gây ra nhiều bất cập. |
Bình luận (0)