Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 9-2021 của Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố cho thấy trong bối cảnh giãn cách xã hội ở TP HCM và các khu vực lân cận, số liệu kinh tế tháng 8 phản ánh rõ nét những tổn thất kinh tế của Việt Nam dưới tác động của dịch Covid-19.
Theo HSBC Việt Nam, tổn thất rơi vào ngành da giày và dệt may vì khu vực Đông Nam Bộ vốn là một đầu mối gia công quan trọng của thế giới. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 30% nhà máy dệt may đã phải đóng cửa, góp phần là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ. Thị phần của ngành da giày Việt Nam trên thế giới đang chiếm 15%, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh…
Xuất khẩu điện thoại vẫn khả quan
Tuy nhiên, tác động đối với xuất khẩu mặt hàng điện thoại lại có xu hướng ngược lại. Trong khi xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 12% trong tháng 8 so với cùng kỳ, xuất khẩu điện thoại lại duy trì ổn định đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ bất chấp những khó khăn do biến chủng Delta gây ra.
"Nguyên nhân sâu xa chính là sự phân bố về địa lý của các cụm công nghiệp điện tử. Samsung, nhà đầu tư độc lập lớn nhất Việt Nam, sản xuất điện thoại thông minh tại 2 nhà máy nằm ở miền Bắc, một ở Bắc Ninh và một ở Thái Nguyên. Sau đợt bùng dịch biến chủng Delta đầu tiên xảy ra ở miền Bắc vào tháng 5, các khu công nghiệp đã dần lấy lại hoạt động như bình thường" - các chuyên gia của HSBC Việt Nam lý giải.
Tỉnh Thái Nguyên còn nằm trong số 10 tỉnh thành không có ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 14 ngày vừa qua (tính đến 4-9). Trong khi đó, nhà máy của Samsung tại Khu Công nghệ cao TP HCM là nơi sản xuất đồ gia dụng điện tử lại chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù đã sắp xếp mô hình "3 tại chỗ" cho công nhân, nhà máy vẫn chỉ hoạt động được 30-40% công suất.
Nhìn trên bình diện rộng hơn, đợt bùng dịch biến chủng Delta đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng trụ vững của chuỗi cung ứng Việt Nam, đặc biệt là từ các ông lớn ngành công nghệ. Apple và Google là hai trong số các hãng đã trì hoãn việc dời chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam.
"Bất chấp những thách thức có thể xảy ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bắt đầu hành động. Samsung chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỉ USD cho nhà máy ở TP Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED" - HSBC Việt Nam nhận định.
Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến 20-8, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỉ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ. Dù vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng ước tính đạt 11,58 tỉ USD, vẫn tăng 2% so với cùng kỳ.
Bình luận (0)