Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu tháng 7-2014 đạt 615.844 tấn, trị giá FOB 264,607 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 429,67 USD/tấn. So với tháng 6, số lượng giảm 8,09%, trị giá giảm 6,75%, giá bình quân tăng 6,15 USD/tấn. Lũy kế xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 3,617 triệu tấn, trị giá 1,560 tỉ USD, giá xuất khẩu bình quân 431,44 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái số lượng giảm 10,78%, trị giá giảm 10,27%, giá bình quân tăng 2,43 USD/tấn.
Giá lúa cao nhất trong 3 năm qua
Thị trường xuất khẩu gạo trong tháng 7 chủ yếu là Trung Quốc chiếm 32,15%, Philippines chiếm 30,75%, còn lại là các thị trường khác. Giá gạo xuất khẩu giao dịch trong tháng 7 tăng mạnh so với tháng 6 và biến động từ mức 420 đến 465 USD/tấn, loại 5% tấm, do giá trong nước tăng cao, xuất phát từ tồn kho thấp và các doanh nghiệp phải mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký, nhất là hợp đồng tập trung Philippines với số lượng lớn.
Giá lúa gạo trong nước thời gian qua tăng liên tiếp và đang ở mức cao nhất trong 3 năm vừa qua, mặc dù sản xuất tăng và xuất khẩu thấp. Do xuất khẩu sang biên giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, hút hàng, tồn kho thấp, trong khi nhu cầu thực hiện các hợp đồng đã ký còn nhiều. Giá lúa khô tại ruộng loại hạt dài từ 5.350 - 6.450 đồng/kg, lúa thường từ 4.950-6.200 đồng/kg. Giá lúa khô tại kho doanh nghiệp loại hạt dài từ 5.700 - 6.550 đồng/kg, lúa thường từ 5.300 - 6.300 đồng/kg.
Tính đến ngày 31-7, theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã xuống giống vụ hè thu được 1,673 triệu ha/1,6 triệu ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được khoảng 744.000 ha, năng suất khoảng 5,37 tấn/ha, sản lượng 3,998 triệu tấn lúa, dự kiến thu hoạch trong tháng 8 khoảng 729.000 ha, sản lượng 3,915 triệu tấn lúa và tháng 9 khoảng 200.000 ha, sản lượng 1,074 triệu tấn lúa.
Doanh nghiệp lỗ
Nhận định từ VFA cho thấy thị trường gạo thế giới đang ở trong tình trạng không bình thường, vừa thừa vừa thiếu, tạo xu hướng bất ổn và khó dự báo. Thái Lan đang tồn kho 18 triệu tấn gạo nhưng không có gạo xuất khẩu vì chính phủ ngưng cung cấp để kiểm kê xác định lại số lượng gạo này, trong khi ngoài thị trường còn chờ thu hoạch mới.
Theo số liệu kiểm kê ban đầu, có khoảng 10% hao hụt và 30% gạo kém chất lượng không thể xuất khẩu cho tiêu dùng thông thường mà phải sử dụng vào mục đích khác, nên chỉ còn khoảng 10-12 triệu tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bình thường. Thái Lan cũng đã thông báo bắt đầu đấu giá bán ra 167.000 tấn gạo tồn kho vào ngày 7-8, mở rộng cho các thành phần có nhu cầu tham gia và sẽ tiếp tục bán ra 500.000 tấn/tháng.
Ấn Độ mặc dù mùa mưa đến chậm và gieo sạ muộn, chính phủ nước này dự báo vụ mùa bình thường và đặt mục tiêu thu mua vụ chính 30 triệu tấn, bắt đầu từ tháng 10, so với mục tiêu 32 triệu tấn năm trước. Nên dự báo xuất khẩu của nước này không giảm nhiều.
Việt Nam đang thu hoạch vụ hè thu nhưng nguồn cung cấp vẫn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu xuất khẩu do mức tồn kho thấp và số lượng hợp đồng đã ký còn nhiều. Mức tồn kho hiện nay chỉ bằng nửa số lượng hợp đồng chưa giao hàng nên các doanh nghiệp phải cạnh tranh mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký, làm cho giá lúa gạo tăng liên tục, dẫn đến doanh nghiệp bị lỗ nặng. Đây là tình hình không bình thường so với các năm do xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc tăng mạnh nhưng không kiểm soát được đã ảnh hưởng đến cân đối nguồn hàng. Ngoài số lượng hợp đồng đã ký, nhu cầu thị trường từ nay đến cuối năm còn nhiều, nhất là từ các thị trường truyền thống Philippines, Malaysia và Indonesia.
Theo VFA, căn cứ tình hình thị trường, sản lượng gạo hàng hóa và khả năng giao hàng; xuất khẩu gạo quý I/2014 là 1,219 triệu tấn, quý II là 1,8 triệu tấn, quý III là 1,9 triệu tấn (xuất khẩu tháng 8 và 9 khoảng 650.000 tấn mỗi tháng), quý IV khoảng 1,4 triệu tấn. Cộng xuất khẩu cả năm khoảng 6,3 triệu tấn, chưa tính xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc do không thống kê được.
Bình luận (0)