Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 27-4, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết hiện số lượng xe chở gạo ở cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai không còn căng thẳng, chỉ vài chục xe.
Giải thích cho tình trạng này, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lượng thực Việt Nam, cho rằng Trung Quốc là thị trường lớn “ăn” gạo của Việt Nam nhưng lượng xuất khẩu đường tiểu ngạch khá nhiều nên dễ gặp rủi ro. Ông Năng nói: “Phải bình tĩnh để xử lý chuyện ùn tắc tại cửa khẩu vì chúng ta vẫn chưa thể thoát khỏi khách hàng lớn này”.
“Việc giao hàng phụ thuộc năng lực phía Trung Quốc. Trong tháng 3 và tháng 4 có biến động về điều hành quản lý của Trung Quốc nên xuất khẩu không được thuận lợi như tháng trước. Các doanh nghiệp (DN) đầu mối của chúng ta đều biết” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói và cho biết tỉnh Lào Cai đã có những biện pháp chủ động bảo đảm thông quan mặt hàng gạo. Về phía Bộ Công Thương, ngay khi có thông tin ban đầu đã chỉ đạo giải tỏa hết lượng gạo đang tồn.
Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ gạo xuất qua Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp thị trường trong nước. Bà Thảo Nguyên - một thương nhân chuyên thu gom gạo của các đầu mối và giao hàng cho các đối tác xuất đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch - cho biết ngày thường, bà thu mua khoảng 1.000 bao gạo (mỗi bao 50 kg) để giao cho các kho tập kết và xuất qua Trung Quốc nhưng 2-3 ngày nay, các đầu mối đã ngừng không thu mua.
Hiện giá gạo thường thu vào tại khu vực Bà Đắc (huyện Cái Bè), Bình Phú (huyện Cai Lậy) thuộc tỉnh Tiền Giang đang có giá khoảng 9.800 đồng/kg đối với gạo thường và 10.300 đồng/kg đối với gạo thơm (giống Jasmin).
Tổng giám đốc một DN xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho rằng trong đợt Chính phủ công bố hỗ trợ DN thu mua tạm trữ lúa gạo thì người dân, thương lái kỳ vọng quá nhiều vào giá gạo thời gian tới nhưng thực tế thì các DN trong đợt mua tạm trữ này hiện phải chịu lỗ.
Trở lại chuyện ùn tắc gạo tại biên giới phía Bắc hiện nay, ông Trần Tuấn Anh cho rằng về lâu dài, chúng ta phải thoát ra được tình trạng loay hoay tìm kiếm đầu ra mà nhà nước đang gọi là tái cơ cấu. Theo đó, chỉ sản xuất ở mức độ vừa phải, không để dư thừa và cứ biến mình thành bảo đảm an ninh lương thực cho cả thế giới.
Phải quy hoạch lại vùng trồng, nếu vùng nào không đạt chất lượng, năng suất, giá thành thì nên hạn chế trồng. Ví dụ, theo bảng giá lúa của các tỉnh mà Bộ Tài chính công bố thì có sự chênh lệch khá lớn, có tỉnh giá bán chỉ 3.000 đồng/kg nhưng có tỉnh đến 4.300 đồng/kg.
Không có thương hiệu
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Bích, giữa bối cảnh cung gạo thế giới thừa như hiện nay thì thị trường là của bên mua và họ sẽ còn chờ giá xuống thấp nữa mới chịu mua. Không chỉ riêng Việt Nam, các nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan cũng đang chịu áp lực bán ra rất lớn nhưng Việt Nam gặp khó nhất vì gạo không có thương hiệu. Thị trường càng khó mới thấy thương hiệu càng quan trọng.
Bình luận (0)