xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xuất khẩu phục hồi vẫn lo

THÁI PHƯƠNG

Xuất khẩu đã lấy lại đà tăng trưởng với mức 2 con số trong những tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp nhiều ngành hàng đã có đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm

Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… cho biết đơn hàng xuất khẩu hiện khá dồi dào. Nhiều DN có hợp đồng đến tận cuối năm nhưng vẫn còn không ít nỗi lo. Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 61,3 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Không còn "ăn đong"

So với cùng kỳ năm trước, một số ngành xuất khẩu có mức tăng khá cao, như dệt may đạt 7,5 tỉ USD, tăng 9,1%; giày dép 4,2 tỉ USD, tăng 9,6%; gỗ và sản phẩm gỗ 2,4 tỉ USD, tăng 14,4%; rau quả 1 tỉ USD, tăng 32,1%...

Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày xuất khẩu Liên Phát (tỉnh Bình Dương), thừa nhận nếu những tháng đầu năm gặp khó khăn, đơn hàng không nhiều thì đến thời điểm này, hợp đồng xuất khẩu lại khá nhiều. Từ cuối tháng 4 đến nay, công ty liên tục nhận đơn hàng từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, giúp ổn định hoạt động đến cuối năm.

"Từ khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, nhiều khách hàng mới dành sự quan tâm hơn đến nguồn hàng Việt Nam để tận dụng ưu đãi" - bà Liên cho biết.

Với ngành gỗ, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam đã diễn ra từ vài năm nay và vẫn tiếp tục, giúp DN ngành này có thêm nhiều hợp đồng. Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu gỗ Mifaco, đơn hàng xuất khẩu khả quan hơn năm trước. Công ty đã có đơn hàng đến tháng 9 năm nay, cơ hội làm ăn cũng nhiều hơn.

Năm 2017, ngành gỗ đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8%-10% với kim ngạch khoảng 7,5 tỉ USD.

Theo nhiều DN xuất khẩu dệt may, hiện không còn tình trạng "ăn đong" như trước. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn, cho biết năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu cao hơn năm 2016 với khoảng 1.700 tỉ đồng khi dự báo thị trường tốt hơn. Garmex đang tìm kiếm đơn hàng cho mùa sản xuất tiếp theo.

Giảm khả năng cạnh tranh

Đơn hàng xuất khẩu nhiều nhưng theo các DN, vẫn còn nhiều nỗi lo khi nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu khiến DN mất thế chủ động trong khi áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thuê đan TP HCM, nhìn nhận tình hình chung của các DN chưa thật sự tốt khi chủ yếu là đơn hàng nhỏ, giá không tăng trong khi chi phí đầu vào đã nhích lên.

Theo ông Lê Quang Hùng, những DN làm gia công xuất khẩu sản phẩm đơn giản, ít chi tiết có nguy cơ mất đơn hàng khi khách hàng dịch chuyển sang các nước khác do chi phí nhân công rẻ hơn. Campuchia, Myanmar… hiện được ưu đãi thuế xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu nên có lợi thế cạnh tranh hơn Việt Nam. Trong khi đó, các FTA của Việt Nam với châu Âu chưa có hiệu lực, Mỹ thì dừng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

"Đơn giá xuất khẩu không tăng nhiều. Thậm chí ở châu Âu, DN Việt còn bị ép giá mạnh do nhu cầu từ thị trường này suy giảm mạnh" - ông Hùng băn khoăn.

Theo thông tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, một số DN xuất khẩu da giày cho biết nhà cung cấp thông báo do tình hình cung cầu và sự cố nên giá nguyên liệu tăng đột biến 35%-40% so với 2 tháng trước, thậm chí không đủ nguyên liệu cung cấp theo giá mới.

"Dù đơn hàng nhiều hơn năm ngoái nhưng năm nay, chúng tôi có thể không lãi do nguyên liệu chính là gỗ cao su đang tăng giá rất mạnh và chưa có hướng giải quyết" - ông Điền Quang Hiệp lo lắng. Theo ông Hiệp, từ cuối năm ngoái đến nay, giá gỗ cao su tăng khá mạnh với mức 25%-30% do Trung Quốc đóng cửa rừng tự nhiên khiến DN ngành gỗ nước này đổ sang Việt Nam thu mua nguyên liệu.

Nhập siêu hơn 2,7 tỉ USD

Xuất khẩu phục hồi nhưng nhập khẩu cũng tăng mạnh khiến cán cân thương mại của cả nước thâm hụt khá lớn trong 4 tháng đầu năm. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 64,1 tỉ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện… tăng cao so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu 2,74 tỉ USD.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo