Sau nhiều lần “sàng lọc”, tuyển chọn, vào đầu tháng 8 vừa qua, 54 nông dân tại H.Hòa Vang đáp ứng các điều kiện đã được phía Hàn Quốc tài trợ vé máy bay để sang quận Yeongyang (tỉnh Gyeongsangbuk) học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Sau thành công của đợt 1, đợt này những nông dân được xuất ngoại sẽ tiếp tục trực tiếp lao động và học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tại nước bạn.
lamnong_ynuo
“Chúng tôi biết quý thời gian hơn...”
Ông Ngô Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, cho hay những nông dân được cử đi “tu nghiệp” phải là những người có sức khỏe tốt, có độ tuổi từ 35 - 55. Sau khi có chủ trương từ huyện và TP, xã đã thông báo rộng rãi để người dân được biết và tham gia tuyển chọn. “Trước khi sang Hàn Quốc, ngành chức năng sẽ trang bị tiếng Hàn sơ cấp cho các nông dân. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, thủ tục... cho bà con. Ngoài ra, khi sang bên đó, những cô dâu Việt sẽ giúp đỡ thêm”, ông Đạt nói.
Là người trở về sau 3 tháng lao động tại Hàn Quốc, trưởng đoàn đợt 1 Nguyễn Văn Thanh (trú thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn) kể, khi sang đến quận Yeongyang, 27 thành viên trong đoàn được đưa đến các trang trại trồng ớt, bắp cải, thuốc lá, các loại cây thuốc làm nước hoa... có giá trị lớn trong xuất khẩu. “Chúng tôi tham gia vào công việc làm nông ngay từ đầu.
Tại Hàn Quốc, máy móc được sử dụng triệt để vào tất cả các khâu trồng trọt. Với phương thức canh tác hiện đại nên dù là xứ lạnh, đất đai không màu mỡ bằng VN nhưng năng suất cây trồng rất cao”, ông Thanh nói. Cũng theo lời kể của ông Thanh, vì được sự hỗ trợ đắc lực từ máy móc nên những nông dân H.Hòa Vang chỉ tham gia các phần việc nhẹ nhàng như bón phân, học cách thu hoạch sản phẩm đảm bảo chất lượng... Hằng tuần, những nông dân “du học” sẽ tập trung học lý thuyết về đất đai, phân vi sinh... tại Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp quận Yeongyang.
Ông Thanh nhìn nhận không riêng gì ông mà các thành viên trong đoàn sau chuyến đi đã học được nhiều kiến thức bổ ích về việc sử dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. “Nông dân Hàn Quốc lao động rất chăm chỉ. Giờ giấc làm việc của họ rất nghiêm túc và đặc biệt họ rất quý giờ lao động. Giờ nào, việc nấy chứ không phải ai muốn làm gì thì làm, cho nên qua quá trình làm việc ở đây chúng tôi biết quý thời gian hơn và trở nên bài bản hơn”, ông Thanh nói và cho biết: “Từ khi đi làm ở Hàn Quốc về, thói quen của tôi trong lao động cũng thay đổi, biết đi làm sớm và về trễ hơn. Bản thân cũng bỏ được tật lười biếng, đi ăn đi nhậu... Có người bỏ được tật hút thuốc lá vì không có thời gian nghĩ đến nó...”.
Mời doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào VN
Trở về từ Hàn Quốc, 27 thành viên trong đoàn ai cũng phấn khởi bởi từ nay họ có thể áp dụng kinh nghiệm học được vào sản xuất nông nghiệp sạch. Nhưng điều khiến mọi người vui nhất chính là việc được các chủ trang trại trả tiền thù lao rất cao. Chỉ trong 3 tháng, mỗi người trong đoàn đều nhận được từ 80 - 100 triệu đồng. Tính ra, tiền công lên đến hơn 1 triệu đồng/người/ngày. “Đó là số tiền rất lớn mà ở trong nước, chúng tôi khó có thể kiếm được. Tôi cho rằng đây là cách giảm nghèo rất hiệu quả”, ông Thanh nói thêm.
Phó chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Ngô Văn Đạt cũng nhìn nhận, bên cạnh cái được nhất của chuyến đi là học được tính kỷ luật cao trong lao động, thì việc có thu nhập đã góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân. Với mức thu nhập hấp dẫn, nhiều gia đình đã có đời sống kinh tế ổn định hơn.
Theo ông Đạt, tại Hòa Vang vẫn hiếm mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, khi huyện thu hút được nhà đầu tư thì những nông dân học tập tại Hàn Quốc sẽ là lực lượng lao động có kiến thức và kinh nghiệm có thể đảm bảo các yêu cầu. Nhiều nông dân sau chuyến “tu nghiệp” cũng khẳng định nếu ở địa phương có mô hình tương tự thì họ có thể làm tốt công việc như ở Hàn Quốc. Trước khi về nước, đoàn đã kiến nghị giữa H.Hòa Vang và quận Yeongyang cần tổ chức chuyến đi lâu hơn. Chẳng hạn, kéo dài trong 6 tháng mùa nắng để có điều kiện học hỏi. Đoàn cũng kiến nghị làm sao để các doanh nghiệp Hàn Quốc sang đầu tư tại VN và tại Hòa Vang, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND H.Hòa Vang, cho hay xuất phát từ việc kết nghĩa giữa 2 địa phương 2 nước, huyện đã xin ý kiến TP để đưa nông dân sang học tập tại quận Yeongyang. “Qua bên đó, bà con đã được tiếp cận những mô hình sản xuất hiện đại, góp phần nâng cao tay nghề. Phía Hàn Quốc họ cũng có những nhận xét tốt về nông dân Hòa Vang. Đầu năm 2018, chúng tôi sẽ tổ chức đưa 150 nông dân sang Hàn Quốc tiếp tục học tập”, ông Thương nói. Sắp tới, huyện sẽ mời các chủ trang trại, các doanh nghiệp tại Hàn Quốc sang Hòa Vang nghiên cứu việc đầu tư vào nông nghiệp và du lịch sinh thái. Qua đó những nông dân “tu nghiệp” sẽ có điều kiện vào làm việc tại các trang trại ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Bình luận (0)