Mỗi ngày, hàng trăm người cưỡi trên những chiếc xe đạp cà tàng đi thu gom đồng nát khắp nơi về phục vụ nghề đúc đồng. Sự đổi đời của người dân Diễn Tháp bắt đầu từ giữa những năm 1990 khi họ sang Lào thu mua phế liệu về bán thông qua cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh).
Ông Nguyễn Văn Nhĩ - ngụ xóm 6, xã Diễn Tháp - cho biết: “Lúc đầu, chỉ một số người sang Lào thu mua phế liệu. Họ làm “trúng” nên rủ anh em, bà con cùng đi. Dần dần, cả làng kéo nhau sang Lào. Những lúc cao điểm, có tới 1.000 người cùng sang Lào thu mua phế liệu”.
Lãi lớn từ việc thu gom phế liệu, người dân Diễn Tháp dùng số tiền này mua hàng tiêu dùng, nông cụ sản xuất rồi chở sang Lào bán. Hiện tại, Diễn Tháp có khoảng 50 đại lý lớn chuyên thu gom hàng hóa đưa đi Lào. Vào đợt cao điểm như sau Tết Giáp Ngọ 2014, mỗi ngày luôn có vài chục xe tải, xe khách chở người, hàng hóa sang Lào.
Anh Sơn - xóm 4, xã Diễn Tháp - tâm sự: “Hầu như nhà nào cũng làm ăn theo kiểu quay vòng. Họ sang Lào thu mua phế liệu về bán, có tiền lại thu gom hàng tiêu dùng như đồ nhựa, nhôm, đệm, chiếu… sang bán lại cho người Lào. Dân Lào thấy người Diễn Tháp chúng tôi năng động nên cứ hay gọi đùa là dân Do Thái xứ Nghệ”.
Nhờ người dân năng động làm ăn, Diễn Tháp từ một xã nghèo, quanh năm thiếu đói đã “lột xác” thành một trong những xã giàu nhất xứ Nghệ. Dọc các tuyến đường nhựa láng bóng trong xã là hàng loạt nhà cao tầng, biệt thự, không ít căn trị giá lên tới 5-10 tỉ đồng. Xã có khoảng 300 ô tô các loại, trong đó có nhiều xe con trị giá 3-5 tỉ đồng.
“Nhờ buôn bán tại Lào mà đời sống người dân trong xã thay đổi hẳn. Hiện cả xã có trên 1.200 người thường xuyên buôn bán, làm ăn tại Lào” - bà Chu Thị Khuyên, Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp, tự hào.
Bình luận (0)