Mới đây, TAND huyện Bình Tân (Vĩnh Long) đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm giữa chị LTKS với bà NTTG.
Mâu thuẫn, cãi vã với vợ hờ của cha
Trong đơn khởi kiện nộp cho tòa, chị S. trình bày: Năm 2010 mẹ chị qua đời. Đến tháng 10-2016, cha chị (SN 1966) đưa bà G. (SN 1980) về sống chung. Từ khi về sống chung với cha chị, bà G. nhiều lần yêu cầu chị chia thừa kế của mẹ chị để lại nhưng chị không đồng ý. Từ đó giữa chị và bà G. thường xuyên xảy ra cự cãi, càng ngày mâu thuẫn càng trầm trọng.
Theo chị S., chiều 18-6-2017, tại nhà cha chị, bà G. yêu cầu chị giao sổ hộ khẩu để bà làm thủ tục nhập hộ khẩu cho bà và hai con riêng của bà vào sổ hộ khẩu gia đình chị. Chị S. không đồng ý thì bà G. nói: “Mẹ mày chết rồi, mẹ mày đi xuống địa ngục hồn ma vất vưởng chẳng làm gì được tao… Mày có đưa sổ cho tao không?”.
Chị S. trả lời là không bao giờ đồng ý thì bị bà G. xông vào dùng tay đánh vào phía sau vai phải. Lúc đó có người đứng ra can ngăn. Chưa dừng lại, bà G. lấy cây xà beng định đánh vào đầu chị nhưng có người kịp thời can ngăn nên bà G. chỉ đánh trúng vào ngón cái bàn chân phải của chị. Khi chị đi ra ngoài đầu lộ để đến công an trình báo, bà G. tiếp tục cầm xà beng vừa đuổi đánh vừa to tiếng chửi bới chị.
Chị S. trình bày thêm với tòa là trước đây chị từng bị tai nạn giao thông, bị thương ở chân phải, phải mổ ba lần. Do chân phải bị yếu từ trước, đi lại khó khăn nên khi bị bà G. đánh thì chị không còn khả năng phản kháng.
Sau khi cấp cứu và điều trị, chị S. khởi kiện yêu cầu bà G. phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm với số tiền tổng cộng hơn 8,5 triệu đồng.
Tòa kết luận tự giẫm chân gây thương tích
Làm việc với tòa, bà G. nói không chấp nhận bồi thường cho chị S. vì thực tế bà không đánh chị. Khi công an xã tổ chức hòa giải, bà có đồng ý bồi thường tiền thuốc cho chị S. là do công an động viên bà thỏa thuận cho xong bởi dù sao cũng là chuyện nội bộ trong gia đình. Nhưng chị S. lại nhất định không chịu, yêu cầu đưa ra tòa giải quyết.
Tại phiên tòa, bà G. cho biết sở dĩ chị S. phải nhập viện điều trị là do khi chị đến nhà có lớn tiếng và tự giẫm chân mạnh xuống đường làm động vết thương cũ chứ không phải do bà đánh chị. Cha của chị S. (được tòa triệu tập với tư cách người làm chứng) cũng xác nhận như trên.
Theo HĐXX, chị S. nói bà G. gây ra vết thương ở ngón cái bàn chân phải của chị nhưng chị không chứng minh được thương tích chị phải điều trị là ở vị trí này. Cụ thể, theo chứng nhận của bệnh viện cũng như kết quả chụp X-quang, thương tích của chị S. là đau sưng nề bầm tím cẳng chân, đau sưng nề bàn chân, phù nề ở đùi, ở gối… Trong khi đó, nếu bà G. gây ra thương tích ở ngón cái bàn chân phải của chị S. thì không thể gây ra phù nề ở đùi và ở gối được.
Từ đó HĐXX kết luận việc bị đơn cũng như người làm chứng trình bày rằng chị S. tự giẫm chân mạnh xuống đường làm động vết thương cũ là có cơ sở. Thương tích của chị S. là do chị tự gây ra nên không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với bà G. Bà G. không có lỗi gây ra thiệt hại về sức khỏe cho chị S. nên HĐXX tuyên bác yêu cầu khởi kiện của chị S.
Khi nào phải bồi thường?
Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Theo Điều 590 BLDS 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại… Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu…
Bình luận (0)