Mới đây, chị Hương (38 tuổi, quận 2) lại tiếp tục đến TAND quận 2, TP HCM nộp đơn ly hôn một lần nữa. Cũng như lần trước, lần này, chị rất quyết tâm để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân mà theo chị, nó rất ngột ngạt, khó chịu, không hạnh phúc.
Nguyên nhân chị đưa ra là, chồng chị - anh Win (45 tuổi, quốc tịch Malaysia), đang là giám đốc tài chính cho công ty Malaysia, chi nhánh TP HCM - quá chăm và yêu con.
Mâu thuẫn của họ bắt đầu phát sinh khi hai đứa con, bé trai hiện 10 tuổi, bé gái 8 tuổi, chào đời. Theo chị, anh lúc nào cũng bao bọc con theo cách, sợ bọn trẻ ốm và bị bệnh. Chẳng hạn anh nhất định không cho con chơi đùa với đất cát vì sợ bẩn chân tay. Thấy con lại gần côn trùng, đùa giỡn với động vật trong nhà… là anh la lên, ôm suýt xoa, sợ lây bệnh.
Hay những khi đang bận công việc, con đòi bố vẽ hình ông sao, cưỡi ngựa, chơi đu quay…, anh cũng ngưng lại để chiều. Lúc cả nhà đi du lịch, con gái đòi bố đưa đi vệ sinh, anh chẳng ngần ngại đưa bé vào nhà vệ sinh... nam.
"Phải cho con tiếp xúc với cái xấu, cái tốt của xã hội, từ đó, mới giúp con biết được điều gì đúng, điều gì sai mà tránh. Anh ấy dạy con như vậy chỉ tạo cho tụi nhỏ tính ỷ lại mà thôi", chị nói.
Phiên xử trước, diễn ra vào cuối năm 2014 tại TAND TP HCM, anh ra sức năn nỉ vợ cho mình một cơ hội sửa sai, vì luôn xem gia đình rất quan trọng. “Anh thương, bao bọc các con cũng chỉ mong chúng lớn lên trở thành người tốt”, anh giải thích. Chị nhất định không chịu, quyết ly hôn bằng được. Tòa nhận định, những lý do chị đưa ra không có căn cứ, có thể hóa giải được nên đã bác đơn.
Hơn ba năm qua, nhận thấy, anh không thay đổi kiểu yêu thương với các con, chị dứt khoát đòi ly hôn lần nữa.
Đòi tiền công 26 năm làm vợ
Bà Hoa (52 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) và chồng đã có gần 30 năm chung sống. Con trai, con gái của họ đã trưởng thành và có gia đình riêng. Bốn năm trước, bà đưa đơn ly hôn chồng lần thứ năm để đòi tiền công 26 năm làm vợ, vì cho rằng, ông Hiền làm bao nhiêu tiền chỉ giữ tiêu một mình. Bốn lần trước, bà đều rút đơn vì ông Hiền không chịu ký.
Lần này, ông Hiền cũng chỉ biết cười về việc làm của vợ và mong bà vì gia đình, các con mà suy nghĩ lại. "Tôi đi làm phụ hồ, lương một tháng chỉ 3-4 triệu đồng, đã đưa cho bà ấy phân nửa, số còn lại thì giữ để tiêu cái này, cái kia. Nhà có 4 phòng trọ cho thuê, tôi cũng để bà ấy giữ lo cho gia đình. Tôi biết, bà ấy vì buồn bực điều gì đó mới vậy", ông Hiền nói.
Vị thẩm phán tiếp nhận đơn nhận thấy, lý do bà đưa ra không thỏa đáng, không có tiền lệ và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do đương sự yêu cầu nên phải tiếp nhận theo đúng thủ tục. Tuy nhiên, sau đó, bà Hoa đã rút đơn về.
Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết ông cũng gặp không ít người đưa đơn ly hôn vì những lý do khác lạ. Trường hợp gần đây là như vậy, một anh chồng ngoại tình, muốn ly hôn vợ để được sống với tình trẻ.
"Khi làm đơn, anh này đưa ra lý do vợ không chịu làm việc nhà. Lần thứ nhất, tòa không chấp nhận vì lý do không đủ sức thuyết phục. Một năm sau, người chồng lại tiếp tục nộp đơn. Quá mệt mỏi với cuộc hôn nhân mà cứ phải đến tòa để trình bày lý do, chị vợ, dù còn yêu chồng, đã chấp nhận. Lúc đó, anh chồng rất mừng vì đạt ước nguyện, thế nhưng, sau đó, chính anh ta phải hối hận vì bị tình trẻ bỏ", vị luật sư kể.
Một trường hợp khác người chồng là giảng viên đại học và chị vợ làm công nhân may. "Cô ấy đã học thấp lại không chịu trau dồi kiến thức", anh chồng nói. Nhiều lần góp ý, muốn vợ đi học thêm chẳng được, anh phải tự mua sách, lên mạng tìm những kiến thức về nữ công gia chánh, những câu chuyện về cuộc sống, kiến thức xã hội cho vợ đọc cũng không được chị hưởng ứng, anh đã nộp đơn ra tòa xin giải thoát. Sau hai lần như thế, anh được TAND TP HCM chấp nhận, dù chị khóc, quỳ gối năn nỉ chồng cho thêm cơ hội.
Theo luật sư Bình, thông thường, với những người ly hôn vì những lý do vụn vặt, tòa sẽ bác yêu cầu lần đầu tiên. Tuy nhiên, một năm sau, đương sư có quyền nộp đơn lần nữa. Nếu lần này, phía bị đơn không đưa ra được những lý do để hòa hợp thì tòa sẽ chấp nhận.
Một vị thẩm phán của TAND TP HCM cho biết, số án ly hôn tại thành phố đang tăng lên, chiếm hơn 30% của tổng số các án mà tòa thụ lý. “Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến vợ chồng phải ra tòa ly hôn. Trong đó, hơn 70 % dẫn đến gia đình đổ vỡ là do nguyên nhân kỳ quặc”, vị thẩm phán nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Bình luận (0)