Đây là một vụ án hình sự gây nhiều tranh cãi giữa các cấp tòa về việc hành vi của Ngô Văn Tình (ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, Thạnh Hóa, Long An) có phạm tội cố ý gây thương tích hay không.
Cắn môi để chống trả
Theo hồ sơ, Tình và Trương Minh Trí là anh em họ. Một ngày tháng 7-2012, cả hai chơi bài tại nhà Tình. Trí xin Tình thuốc lá nhưng Tình không cho nên hai bên xảy ra cãi cọ rồi xô xát.
Ấm ức, Trí về nhà lấy hai con dao quay lại nhà Tình. Thấy Tình đang đứng trước sân, Trí ném con dao về phía Tình nhưng không trúng. Tình bỏ chạy vào nhà. Trí cầm con dao còn lại đuổi theo Tình vào tận buồng ngủ rồi vật đè Tình xuống đất. Tình chống trả bằng cách dùng tay kéo cổ Trí xuống rồi cắn vào môi của Trí.
Theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Long An hồi tháng 9-2012, Trí bị vết sẹo thiếu hỏng môi dưới phải, đường kính 1 cm, gây ảnh hưởng thẩm mỹ. Sức khỏe của Trí bị giảm do thương tích gây nên là 15%.
Sơ, phúc thẩm: Có tội
Tình bị khởi tố, truy tố, bị TAND huyện Thạnh Hóa phạt chín tháng cải tạo không giam giữ về tội cố ý gây thương tích và buộc bồi thường cho Trí 5,9 triệu đồng.
Sau phiên xử, Tình kháng cáo kêu oan, còn Trí kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và tăng mức bồi thường. Tháng 6-2014, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm đã phạt Tình sáu tháng tù về tội danh trên và giữ nguyên mức bồi thường.
Vợ Tình khi đó mới sinh con được vài tháng nên Tình làm đơn xin hoãn thi hành án. Tuy nhiên, khi chỉ còn bốn ngày nữa là đến giao thừa (ngày 14-2-2015), Tình bị bắt đi thi hành án. Chấp hành xong án tù, Tình tiếp tục làm đơn khiếu nại kêu oan.
Ngô Văn Tình vẫn đang chờ đợi được xin lỗi, bồi thường oan. Ảnh: PL
Giám đốc thẩm: Phòng vệ chính đáng
Tháng 6-2016, chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, tuyên bố hành vi của Tình là phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội phạm và đình chỉ vụ án.
Tháng 10-2016, tại phiên họp giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng đề nghị Ủy ban Thẩm phán chấp nhận kháng nghị. Sau khi xem xét, Ủy ban Thẩm phán đã tuyên bố hủy hai bản án sơ, phúc thẩm và đình chỉ vụ án.
Theo Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM, hành vi của Tình là phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội phạm. Trước đó, Trí chuẩn bị hung khí nguy hiểm, chủ động sang nhà Tình và phóng dao về phía Tình. Hành vi của Trí là nguy hiểm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của Tình. Hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra là nằm ngoài ý thức chủ quan của Trí. Khi Tình bỏ chạy vào nhà, Trí tiếp tục cầm dao đuổi theo để hành hung, thể hiện sự quyết tâm uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe của Tình.
Theo Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM, xét diễn biến từ đầu cho đến khi kết thúc sự việc, Trí chủ động tìm hung khí, sang nhà Tình, rượt đuổi Tình vào tận buồng ngủ, liên tục tấn công Tình như đè Tình xuống đất, ngồi lên bụng Tình để khống chế và tiếp tục đánh Tình. Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm cho rằng hành vi của Trí đã kết thúc, không còn nguy hiểm đến Tình nữa là không đánh giá đúng bản chất và diễn biến khách quan của vụ án. Trong trường hợp này, Tình đang ở trong tình trạng không lối thoát nên việc Tình ôm cổ Trí và cắn vào môi của Trí nhằm mục đích cho Trí buông ra được xem là hành vi phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội phạm. Việc hai cấp tòa sơ, phúc thẩm kết án Tình về tội cố ý gây thương tích là kết án oan đối với Tình.
Lãnh đạo TAND Tối cao kháng nghị theo hướng có tội
Tháng 5-2017, Tình làm đơn yêu cầu xin lỗi và bồi thường oan thì TAND tỉnh Long An thông báo đang chờ kết quả xem xét của TAND Tối cao đối với quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Tháng 8, đoàn khảo sát tình hình xét xử các vụ án tham nhũng, bồi thường oan sai… của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về làm việc tại Long An. Báo cáo với đoàn giám sát, Chánh án TAND tỉnh Long An Lê Văn Lợi cho biết vụ án này hiện chưa thể xin lỗi và bồi thường cho người bị oan bởi TAND tỉnh Long An đang kiến nghị TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Ngày 30-8, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã ký kháng nghị theo hướng đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, giao hồ sơ vụ án cho TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm lại.
Theo văn bản kháng nghị, căn cứ vào lời khai của người bị hại, người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu tại hồ sơ thì Tình là người gây sự và đánh Trí trước. Sau khi được mọi người can ngăn, Trí đã về nhà lấy hai con dao quay lại nhà Tình để đánh Tình. Khi thấy Tình, Trí đã ném một con dao về phía Tình nhưng không trúng. Trí tiếp tục cầm con dao còn lại đuổi theo Tình, đến trước cửa buồng nhà Tình thì đuổi kịp. Trí giơ dao tấn công thì Tình dùng ghế nhựa chống trả làm văng dao. Mặc dù được nhiều người can ngăn nhưng hai bên vẫn xông vào vật lộn. Khi đang vật lộn, Trí nằm trên người Tình, mặt đối mặt. Tình dùng hai tay ôm cổ Trí kéo xuống và cắn vào môi dưới. Hành vi cắn môi gây thương tích này là trái pháp luật, xâm phạm sức khỏe, ảnh hưởng thẩm mỹ, không thể coi là hành vi phòng vệ chính đáng.
Cũng theo văn bản này, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã không xem xét toàn diện vụ án từ nguyên nhân, diễn biến, động cơ, mục đích phạm tội của Tình, quá nhấn mạnh đến việc Trí chủ động cầm hung khí là hai con dao sang nhà đánh nhau với Tình để cho rằng hai người đánh nhau, vật lộn trong nhà Tình, Trí nằm trên người Tình khiến Tình không lối thoát nên hành vi cắn vào môi Trí của Tình để Trí buông Tình ra là hành vi phòng vệ chính đáng, không cấu thành tội phạm, từ đó ra kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm tuyên bố Tình không phạm tội là áp dụng không đúng quy định pháp luật.
Vụ án tưởng đơn giản nhưng việc Tình có tội hay không lại gây nhiều tranh cãi giữa các cấp tòa. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin tới bạn đọc.
Thế nào là phòng vệ chính đáng?
Điều 15 BLHS hiện hành quy định: "Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm".
Hiện tại, thế nào là dấu hiệu "chống trả lại một cách cần thiết" chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia về pháp luật hình sự cho rằng việc đánh giá cần phải dựa vào tính chất của mối quan hệ xã hội và mức độ thiệt hại hoặc bị đe dọa xâm hại; tính chất mức độ nguy hiểm của phương pháp, phương tiện công cụ của kẻ tấn công thực hiện hoặc đe dọa thực hiện và khả năng phòng vệ của người bị tấn công trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể lúc đó.
Bình luận (0)