Khám nghiệm tử thi sẻ giải tỏa nghi vấn liên quan đến cái chết bất thường, định hướng cho cơ quan điều tra truy xét hung thủ. Tuy nhiên, để xác định nạn nhân chết ra sao, vì sao lại chết, có yếu tố tội phạm hay không là quá trình làm việc đầy khó khăn, gian khổ của bác sĩ pháp y.
Như lời Trung tá, bác sĩ Phạm Quang Ngọc, Phó Đội trưởng Đội Giám định kỹ thuật hình sự và pháp y, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hòa Bình, bác sĩ pháp y sẽ thay người chết vạch trần thủ đoạn phạm tội của hung thủ, nói lên nỗi oan nghiệt tưởng như sẽ bị chôn vùi dưới nấm mồ.
Cuộc khám nghiệm đầu đời
Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y Hòa Bình, đầu năm 1992, Phạm Quang Ngọc về công tác tại quê hương Mường Động, huyện Kim Bôi. Anh được phân công làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Tiến, trực tiếp điều trị, tư vấn sức khỏe cho người dân địa phương. Quãng thời gian hơn 16 năm gắn bó với cơ sở, anh được người dân hết mực tin yêu, quý mến như người thân trong gia đình.
Đến năm 2008, anh rời quê lên tỉnh, đầu quân cho đội ngũ pháp y Công an tỉnh Hòa Bình. Anh được các đồng nghiệp đi trước có nhiều kinh nghiệm như: Trưởng phòng Nguyễn Văn Hòa, bác sĩ pháp y Vũ Sơn Hùng, Đỗ Đình Nhường... dìu dắt. Anh nhanh chóng tiếp cận với công việc đầy khó khăn, gian khổ này.
Anh chia sẻ: giám định pháp y là khoa học chuyên sâu, sử dụng thành tựu của các lĩnh vực y học, hóa học, vật lý... để phân tính, đánh giá dấu vết, phục vụ yêu cầu điều tra tội phạm. Vì vậy, bác sĩ pháp y phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, vận dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn công tác. Trau dồi bản lĩnh chính trị, tâm lý vững vàng, không hoang mang, dao động khi gặp các tình huống khó khăn, phức tạp. Xét ở góc độ tâm linh, giám định pháp y thay người chết nói lên lẽ phải, thay người chết tố cáo hung thủ và định hướng hoạt động điều tra phá án.
“Do đặc thù công việc nên chúng tôi làm việc không kể giờ giấc, không ngại trời mưa nắng..., khi nào cơ quan điều tra yêu cầu thì chúng tôi lại lên đường” - bác sĩ Ngọc cho biết thêm.
Ngày mới vào nghề, Trung tá Phạm Quang Ngọc gặp ca cực khó, đó là vụ án giết người tại xóm Mường Vọ, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi. Khi công nhân khai thác mỏ than lộ thiên phát hiện dưới đáy hầm có tử thi bị phân hủy, chỉ còn lại hài cốt. Dư luận cho rằng đây là “tai nạn rủi ro” do người dân bị trượt chân rơi xuống mỏ than dẫn đến tử vong.
Khám nghiệm hiện trường vụ giết người tại huyện Lương Sơn. |
Sau khi nhận tin báo từ cơ sở, Phạm Quang Ngọc cùng tổ pháp y Phòng Kỹ thuật hình sự có mặt tại hiện trường tiến hành khám nghiệm, xác định nguyên nhân tử vong. Mới chân ướt chân ráo vào nghề, Phạm Quang Ngọc không khỏi lo lắng khi tiếp xúc với tử thi bị phân hủy, bốc mùi nồng nặc. Hơn nữa, tử thi nằm ở độ sâu hơn 100m, nền đất yếu, dễ sụt, lún nên việc tiếp cận nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Các anh phải dùng dây thừng tạo thành thang để xuống hầm. Không gian chật hẹp, bộ hài cốt trước mắt làm anh thoáng e sợ. Mặc dù đã được đồng đội cảnh báo, tuy nhiên trong thâm tâm, anh không nghĩ rằng nghề pháp y là khó khăn, vất vả đến nhường này.
Được các anh lớn tuổi động viên, Phạm Quang Ngọc đã tiếp cận hiện trường. Qua công tác khám nghiệm, các giám định viên phát hiện xương sọ bộ hài cốt bị rạn nứt, phía sau gáy đỉnh đầu có một vết lõm tròn và vỡ một mảnh nhỏ. Quá trình khám nghiệm còn thu được 1 đôi giày, 1 bộ quần áo và 1 chùm chìa khóa. Tiến hành đánh giá chứng cứ, dấu vết tử thi, các anh xác định nạn nhân chết do bị tác động ngoại lực do vật tày, rắn gây ra. Từ đó xác định đây là vụ án án mạng, hung thủ đã giết chết nạn nhân, sau đó đẩy xuống hầm than để che giấu hành vi phạm tội. Những thông tin do bác sĩ pháp y cung cấp có giá trị đặc biệt quan trọng, định hướng cho hoạt động điều tra.
Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với thông tin do quần chúng cung cấp, ban chuyên án đã phát thông báo truy tìm tung tích nạn nhân. Qua đó xác định nạn nhân là chị Quách Thị Vẹn, 31 tuổi ở xã Cuối Hạ, Kim Bôi. Căn cứ lời khai của gia đình nạn nhân, chỉ sau 2 ngày, cơ quan điều tra xác định đối tượng Bùi Văn Cường, sinh năm 1963 ở xóm Mòi, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) từng có quan hệ tình cảm với chị Vẹn.
Tiếp tục củng cố chứng cứ, tên Cường khai nhận, do mâu thuẫn tình cảm, khi chị Vẹn đề nghị chia tay thì tên Cường ra tay sát hại. Lập chiến công ngay lần đầu tham gia chuyên án, Phạm Quang Ngọc có thêm động lực để làm công việc đầy cam go, vất vả này.
Những bữa cơm bên tử thi
Trong số các yêu cầu giám định, bác sĩ Phạm Quang Ngọc nhớ như in vụ giết người, tạo hiện trường tai nạn giao thông xảy ra ngày 16-4-2013. Đây là hiện trường vô cùng phức tạp thể hiện bản chất tinh vi, xảo quyệt của hung thủ. Nếu không phân tính tỉ mỉ, thận trọng thì rất có thể bị hung thủ đánh lừa.
Nhân chứng đầu tiên tiếp cận hiện trường là anh Bùi Văn Thụ, 36 tuổi, người dân xã Phú Cường, huyện Tân Lạc cho biết: “Thi thể ông ấy nằm sõng soài trên nền cỏ, mặc chiếc áo sơ mi màu trắng, quần tối màu, cách chiếc ôtô khoảng 5m. Khi tôi phát hiện, xác ông ấy đang trong giai đoạn phân hủy. Còn chiếc xe BKS 30S-9139 bị méo mó, hư hỏng nặng. Quan sát ban đầu, chúng tôi đều cho rằng đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, xe mất lái lao xuống vực. Khu vực này thường xảy ra những vụ tai nạn giao thông như vậy nên chúng tôi lập tức trình báo cơ quan chức năng”.
Trung tá, bác sĩ Phạm Quang Ngọc sử dụng thuần thục các thiết bị phục vụ khám nghiệm. |
Nạn nhân được xác định là ông Phạm Đức Hậu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Khi bác sĩ Ngọc và đồng đội tiếp cận, tử thi đang phân hủy mạnh, gây ám ảnh cho những người làm công tác khám nghiệm. Sau khi quan sát hiện trường, anh nhận thấy có nhiều dấu vết lạ. Thông thường, nếu tai nạn giao thông thì sẽ có vết máu để lại ở hàng ghế lái, tuy nhiên vết máu chủ yếu ở ghế sau.
Tiến hành mổ tử thi, các anh xác định nạn nhân chết do tác động ngoại lực bởi vật tày, nhọn ở vùng đầu. Bên cạnh tử thi có 1 ví da, trong đó có hơn 3 triệu đồng, 1 nhẫn màu vàng, mặt đá và nhiều tài sản giá trị khác. Trên thi thể nạn nhân có nhiều vết bầm tím, nhiều vết máu lạ. Những dấu vết kia nói lên điều gì? Liệu có mối liên hệ giữa các vật chứng với thủ đoạn gây án của hung thủ.
Trên cơ sở đánh giá các dấu vết, vật chứng, cơ quan điều tra xác định đây không phải là hiện trường chính của vụ án. Có thể nạn nhân bị sát hại từ trước đó, sau đó tạo hiện trường vụ tai nạn giao thông để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Những thông tin quan trọng từ các giám định viên được ban chuyên án phân tích, đánh giá để xác định hướng điều tra. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ và thông tin do quần chúng cung cấp, sau đó không lâu, cơ quan điều tra đã bắt giữ hung thủ gây án là Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Văn Minh, có trụ sở tại tiểu khu 1, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) có quan hệ làm ăn, thân thiết với nạn nhân. Qua đấu tranh, khai thác, đối tượng khai nhận hành vi phạm tội trùng khớp với đánh giá, nhận định của bác sĩ Ngọc và các giám định viên.
Bác sỹ pháp y khám nghiệm tử thi vụ sạt lở đất ở xóm Khanh, xã Phú Cường |
Không chỉ thực hiện yêu cầu giám định của cơ quan điều tra, bác sĩ pháp y phải thực hiện các giám định liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, tai nạn rủi ro.. Có những cái chết liên quan đến sự cố sạt lở đất, tai nạn giao thông, tai nạn lao động mà cơ thể bị lìa, rời hoặc tử thi bị phân hủy mạnh vô cùng thương tâm. Như thảm họa lở đất chôn vùi cả một bản ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc làm 18 người chết vẫn ám ảnh các anh. Nhiều nạn nhân cơ thể không còn lành lặn, bị đứt rời nhiều đoạn, việc nhận dạng gặp vô cùng khó khăn.
Các anh ngoài việc giám định tử thi để xác định nguyên nhân chết còn phải sắp xếp các bộ phận cơ thể tách rời để xác định danh tính người chết. Từ nạn nhân thứ nhất đến nạn nhân thứ 18 lần lượt được giám định, mổ xẻ thực sự là thử thách rất lớn đối với bác sĩ pháp y. Sau khi hoàn thành giám định, các anh bàn giao tử thi cho gia đình mai táng theo phong tục địa phương.
Trung tá Phạm Quang Ngọc cho biết, trung bình hằng năm, bác sĩ pháp y phải khám nghiệm trên 200 tử thi. Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, không chỉ giám định vụ việc có dấu hiệu hình sự mà ngay cả tai nạn rủi ro, tai nạn lao động đều phải có kết luận từ cơ quan giám định. Đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với mỗi giám định viên. Vì đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với người chết nên chuyện “ăn cơm ma” với các giám định viên pháp y là việc bình thường. Anh đùa rằng, nhiều lúc “ăn cơm ma” còn nhiều hơn cơm nhà.
Có những ngày dồn dập án mạng, tai nạn giao thông.., các anh phải di chuyển liên tục, trắng đêm bên tử thi. Đội Giám định pháp y chỉ có 3 đồng chí nên các anh phải thay phiên nhau trực đơn vị và lên đường khi có yêu cầu. Những phút giây bên gia đình thực sự là đáng quý đối với bác sĩ pháp y. Vì áp lực công việc nên có những lúc gia đình, người thân khuyên anh chọn công việc khác để an nhàn và có thời gian chăm sóc gia đình. Song khi thấy tình yêu anh dành cho nghề, gia đình lại động viên anh hoàn thành nhiệm vụ.
Trung tá Phạm Quang Ngọc tâm sự: “Có những đêm 30 tết, khi mọi người quây quần bên gia đình thì chúng tôi đón tết bên tử thi. Những lúc như vậy chúng tôi khá tâm tư, lo các con thiệt thòi vì có bố làm bác sĩ pháp y. Tuy nhiên, các con hiểu và thông cảm cho công việc của bố nên thường xuyên chia sẻ, giải tỏa áp lực cho bố”.
Chia tay bác sĩ Phạm Quang Ngọc, chúng tôi liên tưởng câu hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai”. Câu ca ấy đúng với tâm trạng và hoàn cảnh của bác sĩ pháp y, những chiến sĩ luôn chịu nhiều thiệt thòi so với công việc khác. Vượt lên khó khăn, những người chiến sĩ như bác sĩ Phạm Quang Ngọc vẫn lặng lẽ hy sinh vì sự công bằng của xã hội, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Bình luận (0)