Hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Huấn (43 tuổi; ngụ ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khiết Tâm. Từ tổ hợp tác ban đầu, ông nâng lên thành hợp tác xã, huy động nông dân làm kinh tế tập thể, giúp họ tăng lợi nhuận.
Theo lời ông Huấn, trước kia ông canh tác lúa theo tập quán cũ, từ đầu vụ đến khi thu hoạch phải ra đồng liên tục, dao động từ 55-60 ngày là có mặt ở đồng.
"Lúc ấy làm ruộng cực lắm, hàng ngày phải ra coi đồng nhưng năng suất lúa không như mong đợi, giá bán thấp nên không có lời. Thấy vậy, năm 2009, tôi cùng nhiều nông dân trong xã đi học hỏi kỹ thuật canh tác lúa, cách làm kinh tế tập thể và thay đổi tập quán để chuyển sang làm lúa chất lượng cao" – ông Huấn kể.
Thời điểm này, ông tập hợp nhiều nông dân lại thành lập tổ hợp tác với khoảng 200 thành viên, diện tích 200 ha. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa hoc kỹ thuật vào đồng ruộng như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… nên thời gian ra đồng chỉ còn từ 10-15 ngày/vụ.
"Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên gieo sạ từ mật độ từ 160 kg/ha đã giảm xuống còn từ 80-100 kg/ha; phân, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm. Trái lại, năng suất từ 5-6 tấn/ha tăng lên từ 7-7,5 tấn/ha, giá bán cũng cao hơn trước. Bình quân 1 ha, xã viên có lợi nhuận từ 55-57 triệu đồng nên ai cũng phấn khởi" – ông Huấn tiết lộ.
Bên trong kho chứa khoảng 3.000 m2 của Hợp tác xã Nông nghiệp Khiết Tâm
Đến năm 2015, ông Huấn mạnh dạn nâng tổ hợp tác lên thành hợp tác xã cho đến ngày nay với diện tích là 340 ha. Từ đây, ông áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GlobalGAP) cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa.
Nhờ vậy, trình độ canh tác của các thành viên trong hợp tác cũng được nâng lên, toàn bộ sản phẩm làm ra đều được bao tiêu với giá bán cao.
Đồng thời, các xã viên khi mua lúa giống, sử dụng dịch vụ (như máy cày, máy gặt đập liên hợp…) của hợp tác xã thì được giảm từ 3%-5%. Hiện hợp tác xã có 40 ha sản xuất lúa chất lượng cao, 300 ha còn lại được sử dụng làm lúa giống cung cấp cho Viện Lúa ĐBSCL.
Từ 2 ha sản xuất ban đầu, đến nay, ông Huấn đã sở hữu 6 ha đất trồng lúa. Với giá lúa tăng mạnh như năm 2023, trung bình mỗi ha, ông Huấn lãi khoảng 70 triệu đồng, cộng với việc bán lúa giống, thu nhập của nông dân này từ 700-900 triệu đồng/năm.
Ông Trần Tiến Dũng, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Khiết Tâm, chia sẻ: "Nhờ vào hợp tác xã mà tôi được học hỏi cách sản xuất lúa bền vững. Năm nay và những năm tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục thực hiện trồng lúa theo hướng hữu cơ, giảm phân thuốc nhằm tăng chất lượng hạt gạo".
Hợp tác xã đầu tư nhiều máy móc phục vụ cho việc sản xuất lúa chất lượng cao và làm lúa giống
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, huyện cùng thành phố đã kết nối được dự án VnSAT giúp hợp tác xã đầu tư kho chứa, lò sấy, trạm bơm điện… Đồng thời, hợp tác xã cũng tự lực mua thêm một số dụng cụ như: máy tách hạt, máy bay không người lái.
"Những thiết bi, máy móc trên cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp hợp tác xã hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao. Đây là một trong hợp tác xã tiêu biểu của thành phố" – ông Hiền đánh giá.
Tháng 10-2023, ông Nguyễn Ngọc Huấn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tôn vinh là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Dịp này, Hợp tác xã Khiết Tâm được biểu dương là 1 trong 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc.
Đồng thời, Ban Tổ chức Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam năm 2023 đã bình chọn ông Huấn giữ kỷ lục là nông dân tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn nhất.
Với mô hình trồng lúa giống, lúa chất lượng cao của hợp tác xã, ông Huấn đã tạo việc làm cho 120 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ 6,5-8 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)