xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học trò 8 tuổi lái đò đến trường

Để kịp giờ tới trường, đám trẻ con ở thôn Đồng Mậm (Sơn Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang) phải dậy từ 5h sáng, chèo thuyền trên hồ Cấm Sơn sâu đến 80 m.

Hồ Cấm Sơn là đập thủy điện lớn thứ tư ở miền Bắc. Mùa nước lũ, tất cả thửa ruộng của bà con thôn Đồng Mậm đều bị ngập hết, đoạn bình thường cũng sâu vài chục mét, có nơi đo được tới 80 m. Thế nhưng đám trẻ nơi đây coi mặt hồ an toàn như lòng mẹ.

Hôm nay, người trong bản đều tranh thủ đi chợ phiên. Chị Đàm Thị Sang (dân tộc Cao Lan) chuẩn bị đi nhờ thuyền sang chợ Lạng Sơn. Vì thế, cô bé Giáp Hải Huế 8 tuổi được giao chở hai em đi học. Hơn 6h sáng, chị Sang đã tát nước, giữ thăng bằng cho các con lên thuyền. Huế khua nhẹ vài cái, thuyền lao nhanh, thoắt cái đã ra giữa hồ.
 
img

 



Huế mới học lớp 3, còn 2 em học mẫu giáo nhưng hôm nào mẹ bận em lại được giao trách nhiệm đưa hai đứa nhỏ tới trường. Các em mất khoảng 30 phút chèo thuyền.

Chiếc thuyền gỗ lướt trên mặt nước, chòng chành bên nọ bên kia tưởng như sắp lật, nhưng với sự điều khiển của người lái đò nhỏ tuổi, nước chỉ mấp mé mạn thuyền. Chèo được một đoạn Huế thở hổn hển. Đi thêm đoạn nữa thì cô bé nóng phải cởi áo phao.

Phía đầu thuyền, bé Giáp Hải Ly (5 tuổi) vỗ về cậu em Giáp Hải Duy (chưa đầy 3 tuổi) vẫn còn gà gật. Ở trường cũng như ở nhà, Ly luôn được khen vì rất giỏi trông em. Mặc cho chiếc thuyền rung lắc, hai đứa nhỏ vẫn tựa vào nhau tranh thủ ngủ. Phút chợp mắt trên thuyền trong lúc đến trường đã quen thuộc với hai chị em.

Từ đằng kia, cậu bạn cùng lớp của Huế, bé Giáp Văn Đạt điều khiển chiếc thuyền gỗ thong dong, nhẹ bẫng. Huế cố đuổi theo nhưng không được. Cậu bé Đạt vốn nhỏ người, nét cười bẽn lẽn đã tự chèo thuyền đến trường từ năm 6 tuổi, mỗi ngày đi 10 km. Ba năm nay em còn chở chị hàng xóm Giáp Thị Lan cùng kiếm con chữ.
 
img

 



Hiện ở Đồng Mậm trẻ 6-7 tuổi phải tự chèo thuyền đi học trên hồ nước sâu vài chục mét.

Đạt cho biết, đi đò quan trọng nhất là giữ thăng bằng, người chèo và kể cả người ngồi không được đùa nghịch, phải mặc áo hoặc đeo cặp phao. "Đã có lần hai đứa em bị ngã do ngồi không cân. May mà lúc ấy còn gần bờ nên về nhà thay quần áo được", Đạt cho biết.

 Không chỉ chèo thuyền giỏi, Đạt còn được mệnh danh là rái cá vì biết bơi từ năm 4 tuổi. Nếu đeo cặp, em bơi được vài km, còn không thì có thể vẫy vùng dưới nước cả ngày. Thế nhưng cậu rái cá vẫn có lúc sợ nước. Đó là những ngày trời dông, gió lớn, mặt hồ dữ dằn kéo theo những con sóng bạc đầu.

Nhiều lần Đạt cố sức đánh vật với cơn gió nhưng chiếc thuyền ương bướng không theo sự điều khiển. Dây chèo bị đứt, Đạt và Lan đành ngẩn ngơ quay về nhà tiếc buổi học. "Từ đó, cứ hôm nào trời mưa là bố mẹ chở chúng em đi bằng thuyền máy của nhà hoặc đưa lên bến Thùng Thình đi thuyền cùng các bạn", Đạt cho biết.

Hơn Đạt 2 tuổi nhưng người bạn đồng hành Giáp Thị Lan sợ nước, lại không biết chèo thuyền. Cô bé rất thương Đạt ngày nào cũng phải chở mình chục km đi về. Lan đang học bơi và tập chèo thuyền để hôm nào Đạt mệt có thể chèo giúp một số đoạn.

Hàng ngày Huế và Đạt phải mất 30-50 phút mới tới trường nhưng một số bạn còn vất vả hơn. Dù nắng hay mưa, hai anh em Hoàng Minh Trí (10 tuổi) và Hoàng Thị Trà My (6 tuổi) đều phải ra khỏi nhà từ lúc 5h sáng.

Nhà Trí nằm trên một ốc đảo xa xôi nhất của bản Đồng Mậm là khu Suối Khoan. Để ra được bến đò, hai anh em phải đi bộ đường rừng hơn 3 km, lại mất thêm 50 phút nữa ngồi thuyền máy. "Thế vẫn còn nhanh chứ mấy năm trước em toàn phải chèo thuyền tay mất 2 tiếng mới đến lớp được", Trí cho biết.

Điều kiện đến trường khó khăn nhưng có một điều đặc biệt là hiếm khi học sinh ở đây bỏ học. Các em muốn đến trường vì chỉ có trường học mới mang lại niềm vui, con chữ và giúp nơi đây thoát nghèo. Cuối năm 2011, một tổ chức từ thiện đã tặng cho học sinh vùng Suối Khoan, Thùng Thình một chiếc thuyền máy. Hàng ngày, các hộ gia đình thay phiên nhau chở con em đến trường.
 
img

 



Em Giáp Văn Đạt (trái) đã chèo thuyền đi học từ năm 6 tuổi

 Cô Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Hải cho biết, trường có 5 điểm học lẻ ở các thôn Cầu Sắt, Đấp, Tam Chẽ, Cổ Vài và Đồng Mậm. Trong đó, Đồng Mậm là nơi xa xôi, khó khăn nhất. Không chỉ học sinh vất vả, để vào khu này, các thầy cô cũng mất một tiếng chạy thuyền máy. Buổi tối, các thầy cô ở điểm trường lẻ phải thắp đèn dầu soạn giáo án, không liên lạc được với bên ngoài, ngày cuối tuần mới về cùng gia đình. "Điều kiện đến trường khắc nghiệt nhưng lực học các em không thua kém những khu khác", cô Thạo cho biết.

Hơn 16h30, hai chục học sinh ùa ra khỏi lớp học. Đâu đó ráng chiều vẫn chói lòa trên mặt hồ nhưng khi các em về nhà trời đã tối mịt. Những hôm mưa dông, đám trẻ cũng chỉ có một con đường thủy duy nhất về nhà.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo