Cuộc khởi nghĩa của đồng bào Bến Tre ngày 17-1-1960 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Đoàn kết, sáng tạo
Với sức mạnh của tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường và chiến lược sáng tạo, người dân Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung đã làm nên một kỳ tích có tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Một trong những bài học quan trọng là sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Trong những ngày khó khăn nhất, người dân Bến Tre đã đoàn kết, thực hiện thành công một cuộc đấu tranh táo bạo, hiệu quả. Dù chịu sự kìm kẹp của chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng đồng bào các giới không chỉ ở Bến Tre mà cả miền Nam đã kiên cường, nhất trí, gắn kết với nhau để đối phó với các hình thức đàn áp, khủng bố tàn bạo.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang hội nhập quốc tế và phát triển nhanh chóng, bài học về đoàn kết càng trở nên quan trọng. Đoàn kết không chỉ trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Khi toàn dân đồng lòng, vượt qua khó khăn, đất nước sẽ có sức mạnh to lớn để đối phó với mọi thử thách, đưa Việt Nam vươn lên trên trường quốc tế. Cứ nhìn hình ảnh hàng triệu người trên cả nước đổ ra đường mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024 là có thể thấy rõ tinh thần gắn kết, sẻ chia.
Phong trào Đồng Khởi thực sự là một cuộc cách mạng trong tư duy chiến lược trên rất nhiều lĩnh vực. Những chiến lược sáng tạo, táo bạo như xây dựng lực lượng "đội quân tóc dài"; thực hiện công tác binh vận, địch vận với nhiều hình thức đối phó sự đàn áp của chính quyền hay các giải pháp có tính tình thế như "súng bập dừa", "tiếng mõ"... đã giúp người dân Bến Tre tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân vô cùng linh hoạt, hiệu quả.
Trong kỷ nguyên vươn mình, chúng ta cũng cần vận dụng khả năng sáng tạo và đổi mới để thích ứng với xu thế thời đại. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và sự phát triển của công nghệ cao gắn với Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi một tư duy đột phá, sự sáng tạo không ngừng của mọi cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức. Đất nước cần phải phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ của mỗi người dân, tạo ra một nền kinh tế sáng tạo, bền vững, xanh và hiện đại, từ đó phục tốt hơn cho chính người dân.
Kiên định mục tiêu
Bài học tiếp theo từ phong trào Bến Tre Đồng Khởi là sự kiên định trong mục tiêu và tinh thần không đầu hàng trước khó khăn.
Dù phải đối mặt sự đàn áp dã man của kẻ thù, người dân vẫn không nao núng mà luôn kiên trì tranh đấu, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Chính điều đó, dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 của Đảng (năm 1959), đã làm phong trào Đồng Khởi nhanh chóng lan rộng ra toàn miền Nam, liên tiếp giáng cho địch những đòn bất ngờ, tạo thế và lực mới. Qua đó, đưa cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai ngày càng có lợi cho cách mạng.
Đất nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, bài học về sự kiên định, kiên trì sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn. Để xây dựng đất nước không ngừng phát triển, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu, mỗi người dân cần có tinh thần tự lực, tự cường, không nản lòng trước khó khăn, thử thách và cũng không bao giờ dựa dẫm vào bất kỳ thế lực nào. Dù thế giới có đổi thay, đất nước vẫn phải kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền và quyền lợi quốc gia, cũng như không thể xa rời mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc là động lực mạnh mẽ giúp người dân Bến Tre - "những con người làm nên Đồng Khởi" như trong câu hát của bài "Dáng đứng Bến Tre" (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý) - luôn anh dũng, kiên cường trong suốt những năm tháng kháng chiến. Lòng yêu nước, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã tạo nên sức mạnh vô biên, giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc vẫn là nền tảng vững chắc để chúng ta xây dựng đất nước. Mỗi người dân cần nhận thức rõ vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển chung, biết bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời cũng mở rộng tầm nhìn quốc tế để hội nhập và phát triển. Có khao khát và có lòng yêu nước nồng nàn thì chúng ta sẽ chủ động tìm giải pháp biến khao khát đó thành động lực và hành động trong từng nhiệm vụ cụ thể, ở từng cương vị cụ thể để góp sức cho đất nước.
Bài học từ phong trào Đồng Khởi Bến Tre không chỉ là bài học lịch sử mà còn có ý nghĩa quý báu cho thời kỳ mới của đất nước; là yếu tố giúp chúng ta vượt mọi thách thức, xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng.
Bình luận (0)