Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa tổ chức hội thảo khoa học "70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam". Hội thảo nhằm nêu bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của Hiệp định Geneva, đồng thời đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tầm vóc lịch sử
Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp, Hiệp định Geneva đã được ký vào ngày 21-7-1954. Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp thì với Hiệp định Geneva, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Geneva thừa nhận.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneva đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Hiệp định Geneva đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Hiệp định Geneva có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia. Theo đó, Pháp chấm dứt chiến tranh, chế độ thuộc địa ở Đông Dương. Miền Bắc Việt Nam được giải phóng, là hậu phương lớn cho cách mạng 3 nước. Hiệp định cũng có ý nghĩa quốc tế rất quan trọng. Cùng với chiến thắng Điện Biện Phủ, hiệp định đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Từ năm 1954 - 1964, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành độc lập; riêng năm 1960 có tới 17 nước ở châu Phi tuyên bố độc lập.
Các nhà nghiên cứu lịch sử, kể cả nhiều học giả Mỹ, đánh giá cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneva 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Hội nghị Geneva đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác.
Kiên định độc lập, tự chủ
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng việc đúc kết các bài học lịch sử từ quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Geneva có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần phục vụ nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ sở lý luận, phương pháp luận cho đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh cũng như xây dựng, hoàn thiện và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong các giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc. Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của nguyên tắc độc lập, tự chủ trong các vấn đề quốc tế. Bởi các quốc gia đều vì lợi ích của mình, nên chỉ có kiên định độc lập, tự chủ mới giúp chúng ta giữ vững thế chủ động và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Phát huy bài học về nguyên tắc độc lập, tự chủ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta chủ trương thương lượng trực tiếp với Mỹ. Trong những ngày đàm phán ở Hội nghị Paris sau này, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nói với ông Henri Kissinger (được tác giả Larry Berman trích dẫn): "Trong cuộc đấu cờ, người thắng và kẻ thua phải chính là những người chơi cờ, không còn cách nào khác. Chúng tôi độc lập trong việc giải quyết vấn đề của chúng tôi".
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, độc lập, tự chủ không có nghĩa là biệt lập, cô lập mà gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Từ đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên "một sức mạnh vô địch". Bên cạnh phát huy tối đa sức mạnh ngọn cờ chính nghĩa và khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng ta đã có chủ trương đúng đắn về không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết với Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Bên cạnh đó là bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến". Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, sách lược của ta thì linh hoạt". Trong đàm phán và thực thi Hiệp định Geneva, cái gốc "bất biến" là Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt đến Hiệp định Paris 1973 sau này, xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Còn "vạn biến" là trong lúc chưa thể thực hiện được trọn vẹn mục tiêu cuối cùng, có thể linh hoạt và biến hóa trong sách lược để rồi từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho rằng những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu mà chúng ta đúc kết được từ Hiệp định Geneva, đó là: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết và trước hết; phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-7
Bình luận (0)