xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY ĐỒNG BÀO MIỀN NAM TẬP KẾT RA BẮC (1954 - 2024): Ký ức không thể nào quên

THANH TUẤN

Với những người trong cuộc, ký ức 70 năm ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí họ

Sau ngày Hiệp định Geneva được ký kết, vào 21-7-1954, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng quyết định đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc (gọi tắt là tập kết ra Bắc) để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng.

Vẫn vang vọng mãi

Thời điểm lịch sử ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa vinh dự là địa phương đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp. Địa điểm được Thanh Hóa lựa chọn là tại cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn).

70 năm đã trôi qua, nhưng với ông Trần Trí Trác (SN 1936, nguyên cán bộ phụ trách thanh niên xã Quảng Tiến), ký ức về những ngày đón tiếp ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Ông Trác kể khi hay tin xã Quảng Tiến là điểm đón đồng bào miền Nam, bà con ai cũng phấn khởi. Chính quyền địa phương đã huy động hàng ngàn ngày công lao động, xây dựng cơ sở để đón tiếp. "Lúc ấy, cả xã như đại công trường, người san lấp mặt bằng, dựng cột kèo, nhà tạm, người thì đào mở rộng đường ra cảng Lạch Hới. Bà con ai cũng làm việc khẩn trương, chu đáo để đón tiếp đồng bào miền Nam" - ông Trác nhớ lại.

Cũng theo ông Trác, ngày ấy luồng ra biển bé, những chiếc tàu biển lớn của Liên Xô, Ba Lan không cập được cảng mà phải đậu ngoài khơi, địa phương phải huy động 15-20 tàu, thuyền đánh cá áp mạn, trung chuyển đưa người vào bờ. "Tôi vẫn nhớ những ngày tháng mười biển động, gió lớn, có thời điểm nhiều ngày thuyền đánh cá không thể cập được mạn tàu mà phải chờ lặng gió mới ra được. Có những người bị say sóng, sau khi lên bờ được bà con Quảng Tiến chăm sóc tận tình như người trong gia đình" - ông Trác xúc động.

Nhân dân miền Bắc đón tiếp cán bộ, bộ đội và nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, theo quy định tại Hiệp định Geneva. Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN

Nhân dân miền Bắc đón tiếp cán bộ, bộ đội và nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, theo quy định tại Hiệp định Geneva. Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN

Là những người trực tiếp tham gia Đội thiếu nhi "Chim Hòa Bình" tỉnh Thanh Hóa để đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết, bà Nguyễn Thị Nhủ (ngụ TP Sầm Sơn) vẫn không thể nào quên dù thời điểm đó bà chưa tròn tuổi mười lăm. Đội thiếu nhi của bà được phân công ra bãi để chờ đón bộ đội, các em nhỏ cùng các bạn học sinh miền Nam xuống tàu, những khẩu hiệu lúc đón đoàn: "Hoan hô các đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các em học sinh miền Nam ra Bắc"; "Miền Nam thành đồng Tổ quốc muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!"... vẫn vang vọng mãi trong tâm trí bà Nhủ đến tận bây giờ.

"Tôi nhớ nhất hình ảnh khi đồng bào miền Nam xuống tàu, có một má lấy trong túi áo ra một gói màu đen trao cho anh bộ đội và dặn rằng đây là gói đất quyện tình Nam Bắc ngàn đời không quên. Lúc đó tôi rất xúc động, nghẹn ngào" - bà Nhủ hồi tưởng.

Hồi ức về những ngày lịch sử

Năm nay đã 92 tuổi nhưng ông Phan Lão (ngụ xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn nhớ cái ngày tạm biệt quê hương ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định để lên tàu ra Bắc. Ông Lão tham gia bộ đội đánh Pháp từ năm 1952, đến tháng 5-1955, ông cùng đơn vị từ cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định lên tàu tập kết ra Sầm Sơn. Ông Lão nhớ lại lúc ra tới Thanh Hóa, tàu không thể cập bờ do gặp bão, tàu liền di chuyển ra vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Nhưng khi ra tới đó, tàu cũng không thể vào được bờ nên đã quay đầu trở lại Sầm Sơn.

Ông Lão kể tiếp ở Sầm Sơn 7 ngày để lấy lại sức khỏe, trang bị đồ, quần áo rồi cùng bộ đội hành quân về các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống của tỉnh Thanh Hóa để cùng bộ đội giúp dân cứu đói. Ông cùng các đồng đội phải cắt bớt phần ăn để san sẻ với bà con, rồi tới từng nhà hỗ trợ, nấu ăn cho những gia đình gặp khó khăn. Khoảng 3 tháng thì đơn vị của ông di chuyển về Nghệ An tham gia xây dựng lực lượng quân đội tại Sư đoàn 324.

Đến năm 1961, ông Lão ra quân và về công tác tại Nông trường 19-5. Đến năm 1964, ông chuyển về Nông trường Bãi Trành (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) công tác và sinh sống cho tới tận bây giờ.

Ông Trần Văn Ấm (92 tuổi; quê xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cũng theo chân đồng bào tập kết ra Bắc tháng 10-1954. Hồi ấy, ông được biên chế vào đơn vị "Cảm tử quân 248, Liên khu V", làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu để đánh Pháp. Lúc tập kết, ông cùng đồng đội lên tàu từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra Sầm Sơn.

Ông Trần Văn Ấm lưu giữ nhiều huân chương, huy chương trong những năm tháng sống và làm việc trên đất Bắc. Ảnh: THANH TUẤN

Ông Trần Văn Ấm lưu giữ nhiều huân chương, huy chương trong những năm tháng sống và làm việc trên đất Bắc. Ảnh: THANH TUẤN

Tuy nhiên, tàu ra tới Sầm Sơn gặp thời tiết mưa to, sóng lớn không thể cập bến nên phải di chuyển và cập cảng Hải Phòng. Sau đó, đơn vị của ông được lệnh di chuyển về tỉnh Hưng Yên rồi tiếp tục hành quân vào Thanh Hóa. Điểm cuối cùng của ông là xây dựng doanh trại tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 1962, ông Ấm được điều động về Đoàn 20, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam học tập chính trị, huấn luyện quân sự, chuẩn bị trở về miền Nam đánh giặc. Năm 1966, ông Ấm chuyển sang làm Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ ở đơn vị mới là Nông trường Bãi Trành cho đến khi về hưu.

Theo ông Lão, ông Ấm, thời điểm các ông về công tác tại Nông trường Bãi Trành có hàng ngàn con em, bộ đội miền Nam tập kết sinh sống và làm việc tại đây. Được sự quan tâm đùm bọc, giúp đỡ của người dân, chính quyền địa phương, bà con miền Nam như vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, yên tâm học tập, công tác, hoàn thành sứ mệnh được Đảng, Nhà nước giao phó. 

300 ngày đón 45 chuyến tàu "đặc biệt"

Với vị trí chiến lược và truyền thống cách mạng, Thanh Hóa được Trung ương Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ cùng các địa phương khác như Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Vào ngày 25-9-1954, cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) là địa điểm đầu tiên ở miền Bắc đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết. Đến ngày 16-5-1955, những cán bộ, chiến sĩ còn lại của Trung đoàn 803 (Liên khu V), lên chuyến tàu cuối cùng rời cảng Quy Nhơn, kết thúc quá trình chuyển quân tập kết ra miền Bắc.

Trong thời hạn 300 ngày sau khi Hiệp định Geneva có hiệu lực (tính từ tháng 9-1954 đến tháng 5-1955), tỉnh Thanh Hóa đã đón 45 chuyến tàu "đặc biệt", chở 47.346 cán bộ, chiến sĩ; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình. Nhân dân Thanh Hóa, trực tiếp là nhân dân Sầm Sơn đã tổ chức đón tiếp, chăm sóc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo