Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, đã rời xa chúng ta hơn nửa thế kỷ. Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng.
Nhiều thành tựu to lớn
Trong tham luận gửi tới Hội thảo khoa học "55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)", do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì tổ chức, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh 55 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng nhưng những di huấn và tư tưởng của Người về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội vẫn vẹn nguyên giá trị, luôn là sợi chỉ đỏ nhất quán, xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng, của dân tộc trong công cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
"Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước đột phá rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo ra bước đi cần thiết cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Cùng với đó là phát triển con người và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trở thành nền tảng, sức mạnh nội sinh, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Xây dựng đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam"; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Từ một nước nghèo, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới, với GDP tính theo giá hiện hành tương đương 430 tỉ USD; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tương đương 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 6,42% - mức cao trên thế giới và khu vực; chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 4,08%; FDI đạt gần 15,2 tỉ USD; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,5 tỉ USD; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,83 triệu lượt. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam xếp thứ 107/193 quốc gia, vùng lãnh thổ; Chỉ số hạnh phúc (WHI) xếp thứ 54/143.
Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), 17/20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 253 chính đảng ở 115 quốc gia trên thế giới. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân có quan hệ đối ngoại với 1.200 tổ chức nhân dân và đối tác nước ngoài…
"Những thành tựu to lớn qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là sau gần 40 năm đổi mới, đã khẳng định đường lối của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn là phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại…" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá.
Xây dựng đất nước phồn vinh
Theo TS Phạm Việt Dũng (Tạp chí Cộng sản), thực hiện ý nguyện của Người trong bản Di chúc bất hủ, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Những thành quả này đặc biệt thể hiện rõ sau gần 40 năm đổi mới, được thể hiện cụ thể trên nhiều mặt. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao. Giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%. Giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng GDP đạt 7%.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, với sự điều hành quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam đã từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, kết quả biểu hiện ở tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt mức 6,8%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 6,5%-7% của kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Mặc dù năm 2020 và 2021, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng vẫn tăng trưởng lần lượt là 2,91% và 2,58%, là một trong số rất ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2022, tăng trưởng GDP là 8,02% và năm 2023 là 5,05%, trong so sánh với tăng trưởng trung bình toàn cầu tương ứng 2 năm đó là 3,4% và 2,9%. Quy mô nền kinh tế ngày càng được cải thiện và luôn nhất quán chủ trương giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.
Sau gần 40 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỉ USD khi bắt đầu công cuộc đổi mới, lên hơn 430 tỉ USD vào năm 2023.
"Để thực hiện tốt ý nguyện của Người trong Di chúc, Đảng cần tiếp tục phát huy dân chủ trong toàn xã hội, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ của toàn dân trong việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng. Đảng phải lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để làm tốt chức năng quản lý và tổ chức xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước" - ông Dũng nói.
PGS-TS Vũ Trọng Lâm (Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật) đánh giá sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển con người, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Quá trình đổi mới luôn xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân.
Theo ông Lâm, công tác giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động đã thu được nhiều kết quả khả quan. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt những kết quả đáng ghi nhận khi tất cả 6 vùng kinh tế đều có tỉ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021 giảm hằng năm, đặc biệt tại các vùng khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Các chỉ số quan trọng liên quan đến con người: Chỉ số phát triển con người (HDI), Chỉ số bình đẳng giới (GEI), tuổi thọ bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người... không ngừng được cải thiện, nâng cao.
"Những thành tựu đó vừa khẳng định sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần tạo nền tảng vững chắc nhất để giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" - PGS-TS Vũ Trọng Lâm bày tỏ.
Văn kiện cực kỳ quan trọng
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, Người "đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".
"55 năm qua, tư tưởng và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh" - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Bình luận (0)