Ngày 19-8-1945, khi mới 15 tuổi và chưa có đến 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất, đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Bước ngoặt vĩ đại
Từ ngày 14 đến 18-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra, giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam... Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền cả nước về tay nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần 1 triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Người tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam). Từ đó, ngày 2-9 là ngày Quốc khánh của nước ta.
Cách mạng Tháng Tám thành công có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Đó là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm dân ta sống dưới ách kìm kẹp của thực dân, phát xít.
Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH…
Những tiền đề quan trọng
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đi vào cuộc sống trên từng lĩnh vực trọng yếu cơ bản. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngày càng tăng trong các tầng lớp nhân dân.
Sau 38 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao; tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả hai chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những nội dung chủ yếu:
Một là, tiếp tục tuyên truyền khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng từ hàng ngàn năm của dân tộc.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền có hệ thống về tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" với nhiều hình thức sáng tạo. Tăng cường tuyên truyền để giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội vốn đang ảnh hưởng đến tư tưởng, tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW năm 2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
Hai là, thực hiện hiệu quả phương châm của Đảng "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên".
Với phương châm đó, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tiếp tục triển khai các Nghị quyết Trung ương về "Hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng XHCN", "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước", "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN"…
Ba là, không ngừng đẩy mạnh công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó có xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, để nâng cao sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Đặc biệt, tiếp tục tiến hành công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác xây dựng Đảng cần tiến hành dân chủ, rộng rãi, thường xuyên; nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Đảng để khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương chủ nghĩa, "lợi ích nhóm", nhất là những mặt tiêu cực của cơ chế thị trường hiện nay.
Trước tình hình mới của đất nước, hơn lúc nào hết, phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Thời cơ đan xen thách thức
Đến nay, bên cạnh nhiều thành tựu toàn diện đạt được thì những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nước ta. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn…
Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi song đan xen không ít thách thức, khó khăn. Tình hình thế giới đang trải qua những biến động lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn song đang đứng trước những trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế…
Bình luận (0)