xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cây kơ nia trong tuổi thơ tôi

Trần Thanh Sơn (Văn phòng Đảng ủy xã Tam Đại, Phú Ninh, Quảng Nam)

Ai cũng có một ngôi trường để nhớ. Riêng tôi nhớ nhất là trường mẫu giáo, nơi tôi được học những chữ cái đầu tiên và có nhiều kỷ niệm của những ngày cắp sách đến trường.

Hồi nhỏ tôi là chúa khóc nhè nên cha mẹ cho đi học mẫu giáo trước tuổi để sớm bỏ cái tật xấu đó. Ngày đầu tiên đi học của tôi chẳng khác gì chúng bạn, cũng có mẹ dắt tay và hôm sau thì một mình tới lớp. Trường của tôi là một nhà Tiền hiền chỉ có một phòng nhỏ được sửa sang lại với vài bộ bàn ghế cũ kỹ đủ cho hai chục đứa học sinh ngồi chen chúc. Sân trường có một cây cốc (kơ nia) lớn xòe tán che mát cả phòng học và khoảng sân rộng. Chẳng biết cây có tự bao giờ. Mùa nắng từng đàn chào mào, sáo sậu kéo nhau về làm tổ trên ngọn cây cao chót vót. Mùa mưa lá cây rụng ngập cả mặt sân, những trái cốc chín rơi xuống mái tôn lộp độp như có ai vừa ném đá. Dưới chân cây cốc nào là bình vôi, ông táo và những đồ thờ cúng hư hỏng mà dân làng mang ra để gửi. Bọn học trò tí hon sợ lắm, chẳng đứa nào dám bén mảng đến nơi thiêng liêng ấy bởi những câu chuyện thần tiên, ma quỷ huyền hoặc luôn ngự trị trong thế giới trẻ thơ. 
 

img

Bài học đầu tiên là những chữ cái a, b, c mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Không bao giờ quên mái tóc dài cùng giọng nói trầm ấm như mẹ hiền của cô giáo. Cũng không quên được những trò nghịch ngợm, những lần bị phạt, những trò chơi con trẻ bên chúng bạn thời còn bé xíu. Trường của chúng tôi đơn sơ lắm, không tường rào cổng ngõ, không có một thứ gì cả ngoài mấy bộ bàn ghế và cái bảng đen. Nhiều hôm, học trò chạy vào nhà dân xin nước uống rồi ở luôn trong đó. Cũng có đứa nằm trên hòn đá to sau trường ngủ một giấc ngon lành khiến cô giáo đi tìm đỏ mắt là chuyện có thật. Giờ ra chơi luôn là điều mà chúng tôi thích nhất. Thôi thì đủ trò trẻ con và đến khi vào lớp lại mặt mũi đứa nào cũng lem nhem, mồ hôi nhễ nhại. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi nhặt cốc và đập lấy hạt ăn. Hạt cốc thơm, bùi và rất béo nên đứa nào cũng thích. Lấy một hòn đá, để trái cốc lên hòn đá khác và đập mạnh. Vài lần như vậy vỏ chúng bể ra. Vỏ cốc rất cứng, tôi còn nhớ như in cái cảnh thằng Tí Chuột cầm hòn đá lơ đễnh đập vào ngón tay mình bầm tím khiến cô giáo phải lo mướt mồ hôi. Đúng là “ăn cốc cộc tay”.
 
Giờ giải lao, sân trường ồn ào như cái chợ bởi hai mươi mống học sinh. Tụi con gái thì chơi nhảy dây, đánh chuyền. Mấy cậu con trai nghịch ngợm thì bắn bi thậm chí đánh nhau u đầu rồi kiện thưa cô giáo. Vui nhất là trò bắn bi, phe nào thua thì đập cốc cho phe kia ăn. Có hôm, tôi và thằng Tí Chuột nhặt một lô cốc xanh để mang về nhà đập. Hai đứa thi nhau bỏ đầy cặp, túi quần và số còn thừa thì túm chiếc áo trắng lại mang về. Đến nhà thì áo trắng đã thành áo đen vì cốc xanh vỡ mủ bám đầy hai vạt áo…
 
Thời gian vụt trôi. Đã hai mươi mùa chim sáo về làm tổ mà ngỡ như mới hôm qua. Trường mẫu giáo của chúng tôi không còn nữa. Người ta đã xây trường mới khang trang hơn trả lại khu Tiền hiền cho dân làng thờ cúng như ngày xưa. Cây cốc vẫn còn đó, da dẻ sần sùi, meo mốc, thách thức với thời gian. Mỗi lần đi qua nơi này bao kỷ niệm của tuổi học trò hoa nắng lại ùa về xao xuyến trong tim.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo