- Tụi bay ơi, năm này thầy Nhu chủ nhiệm lớp mình đó. Tiếng cái Lan “phóng thanh” làm tụi 5B sôi nổi lên hẳn.
- Ặc, thầy Nguyễn Văn Nhu người Can Lộc; thầy già già, râu tóc bạc phơ đó bay! Thằng Đồng tỏ vẻ hiểu biết.
- Tao sợ cái thước gỗ của thầy. Tiếng thằng Lam thốt lên.
...
Mặc những lời bình luận, tôi không sợ. Năm lớp bốn, cô Nga gọi là chúa nghịch cơ mà. Ngồi trong lớp, lúc nào tôi cũng nhấp nha nhấp nhổm. Hết quay ra khung cửa ngắm cây bàng già, lại quay vào buôn chuyện với nhỏ Ái. Bài giảng của cô giáo, dù hay đến mấy nhưng với tôi thì vào tai này, ra tai kia. Dù vậy, cuối năm nhìn mấy đứa có giấy khen mang về nhà treo, tôi thấy ghen tỵ lắm lắm.
… Tuần học đầu tiên trôi qua, không như lời đồn thổi, thầy Nhu giảng bài dễ hiểu, chữ lại đẹp nên tụi lớp tôi mê tơi. Đặc biệt, thầy có cách chấm điểm chẳng giống ai. Cứ tới giờ kiểm tra toán 15 phút hay kiểm tra miệng, thầy thường ra bài tập trên lớp. Hết giờ, thầy chữa bài, tự cho học sinh chấm điểm lẫn nhau. Làm đúng, ghi chữ Đ, làm sai ghi chữ S.
Cuối giờ, thầy gọi đến tên ai, người chấm đọc điểm số. Ngay từ đầu, thầy căn dặn: các em tự chấm điểm cho nhau, nhưng nhớ phải luôn trung thực, tôi sẽ xử lý nghiêm những trường hợp gian dối! Tôi và nhỏ Ái ngồi cùng bàn chấm điểm lẫn nhau.
… Giờ ra chơi sau tiết toán, nhỏ Ái khều tôi ra sân, thầm thì:
- Muốn có điểm cao, cuối năm kiếm giấy khen không mi?
Tôi lè lưỡi: Ai chẳng muốn! Nhưng tau dốt thế này, lấy đâu ra điểm cao.
Nhỏ Ái mỉm cười bí ẩn: Có cách! Có cách. Kiếm điểm cao cực kỳ dễ, chỉ cần mi làm theo lời tao…
Kế hoạch nhỏ Ái cực kỳ đơn giản. Cứ đến giờ chữa bài tập, sau khi thầy chữa trên lớp xong, chúng tôi ngồi dưới chỉ việc chữa lại cách làm, đáp số cho đúng, sau cùng đọc to điểm trước lớp. Mấy tuần đầu tiên, chúng tôi thực hiện kế hoạch này vô cùng trót lọt. Nhờ việc đổi trắng thay đen, đổi sai thành đúng, điểm chúng ngang với cán bộ phụ trách môn toán - Dung Mama.
Bữa đó, sau khi thầy chữa hai bài toán vào loại xương xẩu mà chúng tôi vẫn đạt hai con 10 đỏ chót, Dung Mama tỏ vẻ nghi ngờ:
- Mi giỏi rứa, năm lớp bốn “mít đặc” lắm mà.
Tôi và nhỏ Ái nhìn nhau:
- Bọn mình học toán cả hè mà lại.
Tuy nhiên, đi đêm lâu cũng có ngày gặp ma. Một hôm, sau buổi học thầy Nhu gọi riêng hai đứa tôi lên khu nội trú, vào phòng thầy có việc. Tôi hoảng hốt:
- Hay thầy phát hiện mình gian dối rồi mi ơi!
Nhỏ Ái gạt ngang:
- Bài mi làm sai, nhưng tao chữa cả cách làm và đáp số sạch sẽ rồi mà. Yên tâm!
… - Hai em ngồi xuống uống trà. Thầy rót nước ra chén, rồi bóc gói kẹo cu đơ mời chúng tôi.
- Em.. em… tôi ấp úng mãi không thành lời. Nhìn bộ dạng lấm lét của hai đứa tôi, thầy nhỏ nhẹ:
- Mẹ em bán bó rau muống ngoài chợ mấy nghìn, Thu?
- Dạ, một nghìn ạ.
- Bố Ái một ngày đan được mấy cái rổ?
- Dạ, dạ…
- Các em biết, để có được điểm 10 cần phải làm gì không?
- Cần chăm chỉ, kiên trì, và tập trung trong giờ học ạ… tôi lí nhí.
Nghe xong, thầy nhấp ngụm trà, chậm rãi: các em biết đấy, mọi thứ đều có giá trị của nó. Muốn đạt được thành công phải có sự cố gắng, kiên trì. Để có được bó rau, cái rổ mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi các em, bố mẹ các em đã đổ mồ hôi, làm lụng vất vả. Cũng thế, nếu muốn đạt điểm số cao chúng ta cần sự cố gắng, cần cù, và cả lòng trung thực, trước hết là trung thực với chính mình. Tôi nói tới đây, các em hiểu chứ? Thôi, giờ các bạn về nhà suy nghĩ, hãy hứa với thầy đây là lần cuối, nhé?
Thầy nói tới đây, mắt tôi nhòe đi…
Đã bao mùa phượng nở rồi tàn, đã bao lần “dàn đồng ca mùa hạ” ngân vang nơi trường cũ, tôi vẫn chưa có dịp thăm Trường Tiểu học Hồng Lộc, Hà Tĩnh. Nhưng bài học về lòng trung thực của thầy Nguyễn Văn Nhu chưa bao giờ tôi quên!
Bình luận (0)