Hôm đó là giờ kiểm tra môn Toán của cô Thơm. Tôi luôn chủ quan với môn học này. Bởi với tôi, mấy thứ kiến thức trong sách cha tôi đã dạy hết, chỉ cần 30 phút là có thể hoàn thành. Tôi tự tin đến mức dành 30 phút cuối giờ sẽ làm để cho các bạn trong lớp tâm phục, khẩu phục. Không ngờ, bài toán hôm đó ba tôi chưa dạy đến. Vậy là tôi luống cuống, nếu bị điểm 0 thì xấu hổ quá. Hơn nữa, tôi không thể làm mất mặt trước lớp. Vậy là tôi nhanh chóng tính kế.
Tôi vẫn ra vẻ tích cực làm trong những phút cuối giờ nhưng thực tình tôi đâu có đụng bút. Cô giáo và các bạn bên cạnh thì cứ nghĩ tôi sẽ làm xong và kết quả sẽ tốt như những lần trước. Hóa ra, tôi đang âm mưu thực hiện một hành vi mà sau này tôi mới biết là “gian lận trong thi cử”. Tôi vẫn nộp bài theo những phép tính, con số nguệch ngoạc cho có vì, miễn sao bạn bè và cô giáo không thể phát hiện. Và đến lúc cô chuyển lớp thì cũng là lúc tôi theo dõi, bám sát cô… để thực hiện phương án của mình.
Cô bước vào dạy tiết 3-4 của lớp 7 cách lớp tôi chỉ khoảng 100 m. Trong lúc cô nói chuyện với các học sinh giờ ra chơi thì cũng là lúc tôi lẻn vào và rút bài kiểm tra của mình kèm theo tờ giấy thi-kiểm tra còn mới tinh. Tôi có vẻ tự tin và lặng lẽ đi ra ngoài để các học sinh trong lớp không nghi ngờ.
Sau đó, tôi mang bài thi đến nhờ một anh học sinh lớp 9 thuê giải với số tiền 1.000 đồng. Không khó khăn gì cả, khoảng 15 phút bài thi đã hoàn thành và tôi lại lặng lẽ trở về cạnh lớp 7 để chờ đến giờ ra chơi. Và như vậy, tôi cũng thực hiện như lần trước, thản nhiên đưa bài kiểm tra mới vào cùng chồng bài của lớp tôi, lặng lẽ bước ra ngoài như không có chuyện
Kết quả tôi được 10 điểm và không biết bao nhiêu lời khen của thầy cô, bạn bè. Tôi có vẻ vui mừng nhưng không thể che dấu được sự gian dối của mình. Ba ngày sau, tôi được cô giáo dạy Toán gọi lên. Cô hỏi: “Em chọn điểm 10 hay em chọn sự trung thực?” Cô nói tiếp: Việc làm của em tôi đã biết ngay từ đầu nhưng tôi để cho em sự lựa chọn tốt nhất. Nếu việc này tôi báo cáo lên hiệu trưởng thì em sẽ bị đuổi học, nhưng em là học trò thông minh, nếu em xem sự việc lần này như một tai nạn thì hai mươi năm sau em sẽ đến tìm tôi và chuộc lỗi. Tôi lặng lẽ ra ngoài. Điểm 10 vẫn giữ nguyên và sự việc chỉ duy nhất mình cô biết…
20 năm sau, tôi tìm đến cô. Cô đã nghỉ hưu nhưng nhắc lại kỷ niệm đó cô vẫn còn nhớ từng chi tiết. Có lẽ, nếu như ngày đó tôi bị đuổi học hay bị mỉa mai trước thầy cô có lẽ tôi đã bỏ học, nhưng nghệ thuật ứng xử sư phạm của cô đã giúp cậu học trò bướng bỉnh, hư hỏng ngày nào giờ đã trưởng thành.
Đúng là ai cũng có những cái tốt cái xấu, người thầy giỏi là biết biến những khuyết điểm của học trò thành động lực phấn đấu. Mãi mãi tôi không thể nào quên bài học về sự trung thực. Cô Nguyễn Thị Thơm là một trong những người thầy cao thượng.
Bình luận (0)