Trường Tiểu học Bế Văn Đàn nằm khuất sau một rừng tre nứa, lồ ô rậm rạp. Đập ngay vào mắt tôi là những mái nhà lợp ngói cũ kỹ, màu tường phủ đầy rong rêu, hoen ố theo thời gian. Lớp 4B mà tôi được xếp vào học có sỉ số 28 và 100% là học sinh dân tộc thiểu số. Tôi còn nhớ, cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Điệp đã nói với mẹ tôi: “Ở đây toàn học sinh dân tộc thiểu số, liệu em có thích nghi được không”?
Mẹ tôi trấn an: “Cứ để cháu theo học, từ từ rồi sẽ quen mà”.
Học lực của tôi tương đối ổn định bởi tôi đã có nền tảng từ trước đó. Còn các bạn của tôi thì có phần thiệt thòi hơn khi vừa học vừa phải lên nương phụ giúp cha mẹ. Có bạn nói tiếng Kinh còn chưa sõi nên nhiều từ trong sách giáo khoa khó hiểu, cô Điệp lại giảng bằng tiếng Tày (cô là người dân tộc Tày). Những lần như thế, cô lại hỏi tôi: “Em hiểu từ này rồi để cô giảng lại cho các bạn”.
Trong suốt ba tháng vụ mùa, lớp 4B của tôi cứ vơi dần, hầu như không hôm nào duy trì đủ sỉ số. Tôi đã hiểu, các bạn của tôi giờ này đang cặm cụi trồng tỉa trên những quả đồi trọc lóc phía rừng xanh kia. Con chữ cũng vì thế mà ngày càng chắt lọc đi trong bộ nhớ các bạn. Rồi vì hoàn cảnh, một số bạn đã phải dừng lại con đường học vấn của mình ở bậc tiểu học như Khánh, Lợi, Tài…
Tôi là người Kinh duy nhất trong lớp nên được các bạn dành hết tình cảm cho. Tôi về kể với mẹ là tôi rất thích đến lớp, thích được ăn thắng cố mà mỗi dịp cúng giỗ, các bạn không quên để dành mang tận vào lớp cho tôi. Những buổi tan học sớm, tôi được bạn Nông Thị Minh dẫn lên rẫy chơi. Sức sống tươi non của những vạt ngô, đậu xanh có thấm mồ hôi, nước mắt của sức người trong đó có cả giọt mồ hôi nhỏ bé của bạn tôi những ngày nghỉ học đang hứa hẹn cho vụ mùa bội thu.
Chúng tôi chơi trốn tìm trong nương ngô quên cả thời gian về nhà. Vui nhất là ngày rằm tháng bảy. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây xem ngày rằm hơn là ngày tết, vì thế mà có câu “tết cả năm không bằng rằm tháng bảy”. Tôi được các bạn tranh nhau dẫn về nhà ăn rằm và tham gia những trò chơi dân gian.
Một năm học trôi đi nhanh. Có lẽ do tôi đã có quá nhiều kỷ niệm với lớp học này nên thấy thế. Tôi đã khóc khi nghe cô Điệp thông báo lên lớp 5, lớp 4B của tôi do sỉ số quá ít nên phải sáp nhập lớp khác. Minh thì thầm với tôi rằng Minh sẽ không theo học tiếp được nữa để ở nhà làm rẫy vì người anh cả vừa lấy vợ, nhà không có ai làm.
Buổi chia tay vào một ngày mưa buồn trong lớp học vắng hẳn tiếng cười. Phần lớn các bạn lớp 4B của tôi đã phải nghỉ học khi con chữ chưa tròn nghĩa, khi tiếng Kinh còn lơ lớ văng vẳng đâu đó ngoài hiên trường. Những năm tháng rời xa mái trường tiểu học đong đầy kỷ niệm ấy, dù học ở đâu, dù đi bất cứ nơi nào, tôi vẫn không bao giờ quên được có một ký ức ngọt ngào, thấm đậm tình nghĩa của những người bạn xóm núi dành cho tôi.
Tôi biết được tin, trong số một vài học sinh còn theo học cùng tôi năm đó nay có Ma Văn Tí đang làm bí thư đoàn xã Cư Êwi, Hoàng Văn Tân làm phó bí thư, Nông Thị Vui làm giáo viên, Lương Thị Hướng cũng vừa tốt nghiệp sư phạm ra trường. Đó là những hạt giống hiếm hoi của ngôi trường tiểu học tôi từng gắn bó.
Bình luận (0)