Cô dạy và ở suốt tại trường, chỉ có hè cô mới về quê. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ do lương bổng khi ấy quá ít ỏi chăng? Là học trò cưng của cô, tôi coi cô như thần tượng, như cách mà bọn trẻ bây giờ sùng bái các danh ca Hàn Quốc vậy! Tôi (và có lẽ nhiều bạn nữa) thần tượng cô giáo vì cô giản dị, cần kiệm, mực thước, khiêm tốn và tất nhiên, cả dịu dàng… Cô và hầu hết thầy cô trong trường lúc ấy sống rất kham khổ.
Cô tôi cứ chiều chiều lại lặng lẽ đi bộ một đỗi ra chợ, cách đâu hai ba trăm mét. Ở đấy, có một chỗ người ta bán bánh khọt trên vỉa hè, nơi có những chiếc ghế gỗ be bé. Ăn bánh khọt thì chẳng có gì lạ. Duy có điều tôi không hiểu tại sao cô giáo của mình có thể ăn bánh khọt suốt bao nhiêu năm. Cứ chiều chiều, công việc xong, cô lại lặng lẽ ra chỗ bán bánh khọt, cứ như dùng bữa thay cơm vậy. Đấy là một dấu hỏi trong đầu tôi.
Sau này, tôi có nhiều lần ăn món bánh quê, thậm chí còn có ý quan sát cách người ta làm bánh. Một cái khuôn đất đen ngòm, người ta đổ bột vào trên những cái lỗ tròn trĩnh, đậy nắp lại và đặt lên bếp, tức là nướng. Bánh chín, người ta rắc nhân, làm bằng tép băm cộng thêm rau gia vị, bỏ vào dĩa, cho nước mắm đã chế biến vào, xong. Ăn được, nhanh và như đã mô tả, dễ làm. Tôi không phát hiện được điều lạ gì trong món bánh này.
Mãi đến sau này, khi cuộc sống khá lên, được đi nhiều và thưởng thức nhiều món ăn, bánh trái, tôi mới vỡ ra một điều nghi vấn về món bánh khọt khoái khẩu của cô giáo: đúng rồi, cô ăn bánh khọt thường như thế, chẳng phải vì nó ngon đâu, chắc là vì nó rẻ thôi! Dĩa bánh khọt hợp với túi tiền một giáo viên nghèo, đấy là điều có thể hiểu. Ăn một thứ bánh bao nhiều năm, ai mà không ngán…
Nghĩ đến đấy, tôi thấy chạnh lòng. Thầy cô giáo đã vượt qua những giai đoạn gian khó để trồng người, âm thầm lặng lẽ hy sinh… Học trò nhỏ làm sao có thể hiểu và nghĩ tới cô giáo mình bao nhiều năm ăn một thứ bánh đơn giản chỉ vì nó rẻ tiền…
Cô giáo ơi!
Bình luận (0)