Hai người đàn ông cùng tên Hùng, cùng hành nghề chạy xe ôm tại phường 14, quận 5 (TP.HCM). Án mạng xảy ra khi người này chở khách với giá 20.000 đồng khiến người kia không vừa lòng...
Bị cáo Viên Tô Thái Hùng tại phiên xét xử lưu động ở khu Xóm Cải, phường 8, quận 5, TP.HCM - Ảnh: Tâm Lụa
Phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Viên Tô Thái Hùng (40 tuổi) về tội giết người được mở lưu động ngày 18-4 tại khu chung cư Xóm Cải, phường 8, quận 5. Người dân lao động quanh đó khi nghe tin xét xử vụ án hai ông xe ôm đâm nhau chết thì kéo đến xem rất đông.
Một phút nóng giận
Án mạng diễn ra ngày 7-11-2016, trong lời khai của bị cáo tại tòa và những lời kể rời rạc của người dự khán đã từng biết sự việc.
Viên Tô Thái Hùng hành nghề chạy xe ôm tại đường Xóm Vôi. Còn anh Lê Văn Hùng chạy xe ôm tại khu vực đường Trần Chánh Chiếu. Hai con đường ở cạnh nhau.
Sáng 7-11, khi có khách vẫy xe ôm tại đường Xóm Vôi, Văn Hùng chạy xe đến đón. Khách nhờ chở đến Bệnh viện Chợ Rẫy cách đó vài kilômet. Giá tiền cho cuốc xe ôm ấy là 20.000 đồng. Thế nhưng việc Văn Hùng đón xe ôm tại Xóm Vôi - là địa bàn hoạt động của Thái Hùng - khiến Thái Hùng tức giận. Hai người xảy ra mâu thuẫn.
9h sáng cùng ngày, Thái Hùng đậu xe chờ khách ở đường Xóm Vôi thì Văn Hùng chạy xe đến và có ý không cho Thái Hùng đón khách. Cả hai cự cãi, đánh nhau. Văn Hùng xông vào nắm tóc, đấm trúng mặt làm Thái Hùng ngã xuống đường. Được mọi người can ngăn, Văn Hùng lên xe bỏ đi.
Thái Hùng bị đánh nên chạy về nhà mẹ ruột lấy một con dao giấu vào túi quần đi tìm Văn Hùng. Thấy Văn Hùng ngồi uống cà phê trên đường Trần Chánh Chiếu, Thái Hùng rút dao đâm hai nhát vào ngực của Văn Hùng. Văn Hùng chết trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Cũng như nhiều bị cáo khác trong các vụ án giết người, khi đứng trước tòa, Viên Tô Thái Hùng biện minh: “Chỉ mang dao đi hù thôi chứ không có ý định giết chết Văn Hùng. Thấy bị cáo đến thì Văn Hùng đứng lên nắm cổ áo bị cáo, lao vào định đánh bị cáo. Bị cáo rút dao ra dọa để Hùng không đánh nhưng Hùng vẫn lao vào nên bị cáo mới đâm...”.
Vị chủ tọa công bố những lời khai khác của bị cáo tại cơ quan điều tra: “Văn Hùng chỉ mới quay lưng lại, chưa kịp nói gì thì bị cáo đã đâm hai nhát...”. Bị cáo bảo: “Lời khai ấy là do điều tra viên đọc cho bị cáo ghi...”.
“Tại sao lại xảy ra vụ án mạng đau lòng như thế? Chỉ vì miếng cơm manh áo, vì phải mưu sinh nên dù chuyến xe ôm có giá 20.000 đồng cũng làm Văn Hùng - Thái Hùng nảy sinh mâu thuẫn” - vị luật sư bào chữa chỉ định nêu tình tiết mong giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Địa bàn hoạt động giống như “luật ngầm” của giới xe ôm. Ngày xảy ra vụ án, bị hại đón khách ở khu vực của bị cáo, sau đó còn đánh bị cáo nên bị cáo mới không kiềm chế được.
Nghe luật sư phân tích những mâu thuẫn từ việc “tranh giành địa bàn” nêu trên, gia đình bị cáo - bị hại càng trở nên căng thẳng.
Sau khi viện kiểm sát đề nghị tù chung thân, bị cáo vừa được dẫn đi thì con gái bị cáo hét lớn: “Phải cho gia đình tôi được nói chứ, tại sao không cho người ta được quyền nói?”.
Một người khác cũng chen vào: “Nếu không đánh người ta thì đâu có cơ sự như ngày hôm nay” - những lời chì chiết, trách cứ được nói lớn cho gia đình bị hại nghe thấy.
Phía bị hại vẫn im lặng.
Nỗi đau cho hai người mẹ
Hai người mẹ của bị cáo - bị hại đều bán cà phê vỉa hè cạnh nơi con mình chạy xe ôm hằng ngày. Họ biết mặt nhau dù không thường xuyên nói chuyện. Mất mát xảy ra khiến hai bà mẹ không còn nhìn mặt nhau được nữa.
Bằng tất cả tình thương của mình, mẹ bị cáo đã đi vay mượn, xin anh em họ hàng được 10 triệu đồng để bồi thường cho gia đình bị hại.
“Tôi mang tiền đến nhà nhưng bà ấy (mẹ bị hại - PV) xua đuổi, bảo đợi đến ngày ra tòa mới giải quyết”. Mẹ bị hại nghe vậy liền đứng dậy phản ứng: “Tôi không xua đuổi, khi đó gia đình tôi vừa tổ chức đám tang, còn tâm trí đâu để tiếp chuyện bà ấy”.
Bị cáo Viên Tô Thái Hùng sống cùng vợ và con gái 14 tuổi tại nhà bố mẹ vợ. Khi phát hiện Hùng nhiễm HIV, lao, rồi còn mắc bệnh gan, bà Tô Thị Lệ, mẹ Hùng, đã đón con về, thuê nhà riêng để hai mẹ con ở với nhau vì sợ Hùng lây nhiễm cho vợ con. Hằng ngày bà Lệ bán cà phê vỉa hè kiếm tiền thuê nhà và trang trải sinh hoạt cho hai mẹ con.
Trước đây Thái Hùng chạy xe ba gác thuê. Từ ngày bị đuổi việc, Hùng mua chiếc xe máy ở tiệm cầm đồ làm phương tiện mưu sinh. Sức khỏe không ổn định nên Hùng bữa làm bữa nghỉ, hôm nào không có khách còn phải xin tiền mẹ ăn sáng.
Cũng như bị cáo, bị hại cũng vừa hành nghề xe ôm được vài tháng. Văn Hùng là lái xe tải, bị phạt lỗi vi phạm giao thông nên treo bằng mấy tháng. Ba Văn Hùng thấy con ở nhà suốt liền cho mượn xe để con chạy xe ôm.
Nắng trưa gay gắt nhưng người dân vẫn đứng vòng quanh chờ nghe tuyên án. Gia đình bị cáo vẫn lớn tiếng bảo hội đồng xét xử không khách quan, càng làm phiên tòa thêm căng thẳng.
Bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là tử hình. Vị luật sư bào chữa chỉ định đã xin hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án tù có thời hạn. Tòa tuyên phạt Viên Tô Thái Hùng tù chung thân. Kèm theo mức án là số tiền bồi thường hơn 100 triệu đồng và phải nuôi con bị hại đến năm 18 tuổi.
Người mẹ tội nghiệp
Nghe mức án tuyên, một người họ hàng bị cáo kêu lên: “Ôi trời ơi, bắt bồi thường mấy trăm triệu làm đám tang, rồi nuôi con nó ăn học mỗi tháng 1,5 triệu đồng thì tiền đâu mà đền?”.
Rồi nhắc mẹ bị cáo: “Chị phải đi tìm gặp tòa để xin giảm số tiền xuống, nếu không trình bày thì không còn cơ hội nữa đâu”. Mẹ bị cáo nghe thế thì rưng rưng nước mắt.
Sau phiên tòa ngày hôm ấy, bà lại trở về với quán cà phê vỉa hè kiếm từng đồng tiền lẻ để thăm nuôi con trong tù và thay con thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho gia đình bị hại.
Bình luận (0)