Một ngày giữa tuần, hai cô cậu lớp 12 trong bộ đồng phục học sinh, họ là chị em sinh đôi, đến tòa để dự phiên xét xử phúc thẩm “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa mẹ và bà nội.
Bao nhiêu lần hòa giải, hoãn tòa rồi xét xử là bấy nhiêu lần hai chị em phải nghe những lời đối chất giữa những người từng sống chung một nhà, nay “lạnh tanh” né mặt nhau ở tòa.
Con dâu kiện má chồng
Theo đơn khởi kiện, con dâu trình bày năm 1998, hai vợ chồng mua trả góp nền nhà với giá 13 triệu đồng, có lập văn bản chuyển nhượng do chồng đứng tên. Sau đó, má chồng bỏ ra 19 triệu đồng cất nhà rồi hai vợ chồng chuyển về sống chung.
Khi má chồng đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì con dâu khởi kiện ra tòa. Cô con dâu yêu cầu tòa công nhận nhà và đất thuộc sở hữu của hai vợ chồng.
Bản án sơ thẩm TAND Q.12 (TP.HCM) tuyên đây là tài sản chung của hai vợ chồng, buộc má chồng phải giao trả đất, đồng thời vợ chồng cô phải trả tiền xây dựng lại cho má chồng. Chồng, má chồng, chị chồng lần lượt kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Căn nhà có diện tích 60m2, 14 nhân khẩu đang ở. Phía gia đình chồng khẳng định họ bỏ tiền ra mua đất, xây nhà, sửa chữa mà “con dâu khi dọn về chỉ xây thêm gác lửng, giờ đòi nhà của má là không hợp lý”.
Con dâu rưng rưng trước tòa rằng bản thân “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trả góp từng đồng, nay chồng theo phe phía gia đình làm giấy tờ xong đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà. Người chồng thì liên tục nói rằng không biết việc vợ trả góp và khẳng định: “Tiền đó là tiền của má”.
Không thể níu kéo
Suốt 5 giờ, HĐXX hết mực động viên, kêu gọi các đương sự bình tâm suy nghĩ để thương lượng, hòa giải với nhau vì đều là người trong nhà.
Ở cuộc họp gia đình và hòa giải trước đó, khi định giá căn nhà và đất khoảng 1 tỉ đồng thì con dâu đồng ý để nhà lại cho má chồng và nhận 400 triệu đồng. Nhưng ra tòa, cô đổi ý “vì tức, vì bức xúc”, đòi 600 triệu đồng.
Chủ tọa nhẹ nhàng, khuyên bảo con dâu: “Má chồng là người đẻ ra chồng mình. Mình cho má hơn một chút thì có gì đâu?”. Cô con dâu dõng dạc: “Tui đối với má chồng tui như biển cả, không tính toán gì, nhưng má cứ nghe lời hai đứa em chồng...”.
Cả HĐXX động viên, phân tích để người đàn bà này hiểu 400 triệu là không chèn ép, không oan ức, đừng vì đồng tiền mà mất tình mất nghĩa, nên dĩ hòa vi quý để ra về mọi người nhìn mặt nhau.
Bao nhiêu phân tích về tình về lý, bao nhiêu động viên, giải thích của hội đồng cũng không lay chuyển được suy nghĩ “không còn gì để mất” của người con dâu.
Cô liên tục đòi lấy đất, lấy nhà, đòi bán nhà để trả lại tiền cho nhà chồng khiến chủ tọa quát lớn: “Bà đừng cố chấp! Tại sao một khối tài sản như vậy, bà cứ nhất nhất đòi bán? Bán nhà rồi má chồng và bao nhiêu người trong đó sẽ ở đâu?”.
Không biết bao nhiêu lần chủ tọa hỏi cô con dâu về hai đứa con, về việc có muốn chúng trở thành người tốt không, hai đứa nhỏ sẽ nghĩ gì khi nhìn những người lớn tranh giành hơn thiệt lẫn nhau, nhưng cô con dâu vẫn khăng khăng đòi 600 triệu đồng và một mực: “Giờ tui muốn cầm tiền ngay, chia cho chồng tui nữa là tui không chịu”.
Mỗi bên chịu một nửa án phí, hoàn cảnh khó khăn, nhà chồng xin tòa giảm 50% án phí. Chủ tọa gợi ý con dâu đỡ đần giúp thì cô khăng khăng: “Không, không! Má chồng thì bao nhiêu tui cũng đỡ, còn tiền này tui nhất quyết không chịu”. Vị chủ tọa đành thở dài.
Tan nát
Khi các con đôi co hơn thua, khi tòa thỏa thuận ngày giao tiền thì ở một góc phòng, bà má chồng ngồi thút thít khóc, lui cui chùi vội những giọt nước mắt lăn ra từ khóe mắt thỏm sâu.
Sức yếu ớt, bà không thể đứng dậy để nghe tòa đọc quyết định hòa giải. Gương mặt xương xẩu, nhăn nheo nhiều hơn so với tuổi gần 80, bà vừa khóc vừa hỏi các con tiền đâu mà trả đến năm sáu trăm triệu. Bà kể con trai bà không dám hé miệng cãi vợ một câu, “nó nói gì thằng này nghe đó”.
“Mình thương con dâu hết mực, cho nó về ở mà giờ mất hết, mất tiền, mất cả gia đình. Tội là tội hai đứa nhỏ” - bà mẹ thều thào.
Phiên phúc thẩm kéo dài từ tháng 12 năm ngoái mà đến nay vẫn chưa xong. Phiên tòa hoãn đi hoãn lại vì sức khỏe của cả nguyên đơn và bị đơn. Nguyên đơn (cô con dâu) thì sợ tòa xử không hợp tình hợp lý lại sốc, bị đơn thì lần nào đến tòa cũng đùm túm những thuốc, những nước.
Khi hòa giải sắp thành thì nguyên đơn lăn ra ngất. Phiên phúc thẩm, nguyên đơn cũng ngất, vừa thở dốc vừa lắp bắp: “Hoãn tòa... hoãn tòa...”.
Người chồng lúng túng, vừa đi gần tới đưa chai dầu thì bị chị vợ ném thẳng: “Trả lại cho nó, không thèm! Đừng động vào đồ nhà nó!”. Người chị chồng quay phắt sang, chỉ mặt cô em dâu: “Vì mày, vì mày mà em tao mới ra nông nỗi này”.
Khoảng cách ngày càng bị đẩy xa
Hồ sơ vụ án được trả về TAND Q.12 xét xử lại. Từ khi đơn khởi kiện được gửi đi, tình cảm gia đình cũng rạn nứt dần. Khoảng cách hai vợ chồng càng bị đẩy ra xa sau mỗi lần hòa giải, xét xử... Cả hai đang làm thủ tục ly hôn. Hai đứa con đã dọn ra ngoài sống cùng mẹ.
Tại tòa, cô con gái cúi gằm mặt trầm tư. Cô bé ngồi bệt xuống, hướng đôi mắt mình về nơi xa lắm, nơi không có những tiếng lùng bùng của mẹ đang giải thích "đất này là đất của tui".
Bình luận (0)