Quá nửa đời người, ở cái tuổi đáng được vui cảnh quây quần bên con cháu thì Lục tay trắng, không vợ con, không nhà cửa, đất đai… phía trước chỉ có bản án 9 năm tù giam cho lỗi lầm thời trẻ.
Phiên xử bị cáo Nguyễn Phong Lục (54 tuổi, trú phường Kỳ Trinh, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản diễn ra khá “đặc biệt”, suốt phiên xử không một chút ồn ào hay gay gắt. Người dự tòa dễ nhận ra được sự cảm thông từ phía bị hại và ăn năn thành khẩn của bị cáo.
Cách đây 21 năm, Nguyễn Phong Lục là nhân viên được đánh giá có năng lực nhất nhì của Công ty xuất nhập khẩu Hà Tĩnh (nay là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Tĩnh). Như nhận xét tại tòa của lãnh đạo Công ty, thời điểm đó nếu tính người có trình độ như Lục phải nói là rất ít, đếm trên đầu ngón tay.
Năm 1996, Lục 33 tuổi, là chàng trai trẻ với tấm bằng du học 6 năm tại Nga trở về nước, Lục được Công ty xuất nhập khẩu Hà Tĩnh “mời đón” về làm việc. Lục được đánh giá cao về năng lực trình độ, nên mặc dù mới chỉ là nhân viên bình thường nhưng luôn được coi trọng. Nếu như, Lục không vội vàng, không để lòng tham lấn ướt thì chắc rằng con đường thăng tiến của Lục sẽ rất thuận lợi. Lục sẽ chẳng phải trốn chạy pháp luật suốt hơn 20 năm qua, sẽ chẳng phải đứng trước vành móng ngựa như ngày hôm nay…
Cáo trạng nêu rõ, đầu tháng 6/1996, là nhân viên của Công ty xuất nhập khẩu Hà Tĩnh, Lục được giao nhiệm vụ đến một công ty ở Hà Nội làm thủ tục xuất hàng hóa và nhận 100.000 USD (Quy đổi giá USD thời điểm đó tương đương với 1,1 tỷ đồng) về cho công ty.
54 tuổi, Nguyễn Phong Lục phải nhận mức án 9 năm tù giam cho hành vi phạm tội của mình thời trai trẻ gây ra.
“Đêm đó, sau khi nhận tiền xong, bị cáo về nghỉ ở khách sạn, khi một mình ngồi trước số tiền quá lớn, bị cáo đã để lòng tham làm “lóa mắt”, nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền của Công ty”, Lục khai trước tòa.
“Bị cáo biết vào thời điểm đó, số tiền 100 ngàn USD có giá trị lớn như thế nào chứ?”, “Dạ, thưa Tòa, bị cáo biết, đó là khối tài sản quá lớn, cũng chính vì vậy mà bị cáo nảy sinh lòng tham, bị cáo đã chấp nhận đánh đổi”, Lục thành khẩn trước câu hỏi của vị chủ tọa.
Có ai đó đã nói rằng, con người có tham hay không chỉ khi ngồi trước đống tiền mới trả lời được, và với Lục câu nói đó đã đúng. Với ý định chiếm đoạt số tiền của Công ty nên ngày hôm sau, Lục về thẳng nhà tại Hà Tĩnh rồi đưa cho anh trai của mình số tiền 20 ngàn USD và dặn anh trai lấy tiền đó trang trải cuộc sống, chăm sóc bố mẹ, còn mình vội vã rời quê hương, bắt đầu cho “hành trình” trốn chạy pháp luật đằng đẵng hơn 20 năm. Ngày 18/6/1996, Lục bị Công an Hà Tĩnh phát lệnh truy nã toàn quốc.
“Để lẩn trốn, bị cáo vào miền Nam, sau đó xuống nhà một người chị ở Vũng Tàu, thấy gia cảnh chị khốn khó, mất chồng lại nuôi 3 đứa con nhỏ, bị cáo đã cho người này mượn tiếp 20 ngàn USD. Bị cáo sợ bị bắt nên liên tục di chuyển chỗ ở qua nhiều tỉnh thành khác nhau”, Lục tiếp tục khai nhận.
Số tiền chiếm đoạt được “vơi” đi nhanh chóng, nhưng nỗi sợ hãi pháp luật lại lớn lên từng ngày. Lục biết nếu cứ ở trong nước sẽ nhanh chóng bị bắt nên đã nhờ người làm giấy tờ giả rồi xuất cảnh sang nước ngoài làm thuê.
“Thời điểm đó, đi xuất khẩu lao động thu nhập khá ổn định nhưng bị cáo với tâm lý trốn chạy, sang đến nước người lại phải “chui lủi” vì thuộc lao động bất hợp pháp nên cuộc sống rất khổ. Ở nước ngoài hơn chục năm nhưng tiền kiếm được cũng không chắt góp được đồng nào”, Lục giãi bày trước tòa.
Ngày 22/2/2017, Lục về nước và bị bắt giữ sau 21 năm lẩn trốn tại một khách sạn ở huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước).
“Bị cáo đã chạy trốn pháp luật lâu như vậy sao còn trở về nước?”, “Bị cáo đã quá mệt mỏi với những ngày trốn chạy, hơn nữa bị cáo nghĩ sự việc trôi qua cũng đã hơn 20 năm nên cơ quan chức năng cũng sẽ không ráo riết bắt dữ nữa”, Lục trả lời câu hỏi của vị Chủ tọa.
Tại phiên xử, Lục ăn năn thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Qúa trình điều tra, Lục đã vận động gia đình bồi thường thiệt hại cho Công ty cổ phần nhập khẩu Hà Tĩnh được 500 triệu đồng.
Phiên tòa kết thúc, Lục lặng lẽ bước đi về phía chiếc xe thùng đang đợi sẵn
Khi được nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án, Lục nói trong sự day dứt: “Bị cáo xin nhận mọi hình phạt của pháp luật, dù mức án thế nào bị cáo cũng thấy “nhẹ nhàng” hơn thời gian lúc trốn chạy, bị cáo biết đây là lúc bị cáo phải “trả nợ” cho lỗi lẫm của mình. Chỉ mong HĐXX xem xét cho hoàn cảnh bị cáo bây giờ, đã hơn 50 mươi tuổi nhưng không có vợ con, bố mẹ cũng đã mất, nhà cửa đất đai không có để giảm nhẹ hình phạt, sớm quay về với xã hội để được sống những ngày tháng tuổi già bên anh em”.
Nhận định hành vi phạm tội của Nguyễn Phong Lục nguy hiểm cho xã hội, vì lòng tham mà chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, gây đình trệ và ảnh hưởng đến công việc của người khác, cần phải nhận một mức án nghiêm minh để răn đe và phòng ngừa chung.
Tại phiên sơ thẩm ngày 21-9, sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt Nguyễn Phong Lục 9 năm tù giam về tội danh trên, đồng thời yêu cầu bị cáo phải tiếp tục bồi thường số tiền đã chiếm đoạt còn lại gần 600 triệu đồng. Liên quan đến vụ án, còn có một số người được Lục cho, biếu, vay tiền mặc dù biết đó là tài sản do Lục phạm tội mà có nhưng theo quy định của pháp luật đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên tòa không truy cứu thêm.
Bình luận (0)