Sáng 20-4, bà Nguyễn Thị Thơm, 74 tuổi, đã bật khóc nức nở khi nghe hội đồng xét xử TAND quận Bình Thạnh (TP. HCM) tuyên phạt con trai bà mức án chỉ bằng thời gian tạm giam và được trả tự do ngay tại tòa.
Có lẽ ít ai ngờ, bà Thơm là bị hại trong vụ án, cơ thể bị tổn thương với tỉ lệ lên tới 67%. Người gây án không ai khác chính là con trai bà - bị cáo Nguyễn Thiên Ân, 38 tuổi.
Cả đời mẹ khóc con…
Ân không phải là đứa con do bà Thơm rứt ruột sinh ra. Khi còn là một giáo viên trẻ đẹp, bà Thơm thấy một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bên vệ đường và xin phép chính quyền được nhận về nuôi. Bà đặt tên cho con là Nguyễn Thiên Ân với ý nghĩa con là món quà vô giá mà ông trời ban tặng.
Bà Thơm không lấy chồng mà ở vậy nuôi con. Nhưng Ân lại mang đến cho mẹ muôn vàn cay đắng. Ân nghiện ma túy từ năm học lớp 6, sau đó là nhiễm HIV, bệnh lao, trầm cảm, suy giảm miễn dịch, phải chữa trị thần kinh, vào tù vì tàng trữ ma túy, đi cai nghiện rồi tái nghiện không biết bao nhiêu lần…
Đỉnh điểm là khuya 17-2-2016, Ân lên cơn thèm thuốc cộng với chứng trầm cảm nên đã đánh đuổi mẹ khiến bà Thơm bị thương tích 67%.
Ân bị bắt tạm giam suốt hơn hai năm qua. Cũng chừng ấy thời gian bà Thơm khóc hết nước mắt, chạy đi kêu cứu khắp nơi để con được tự do.
Một năm trước, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thiên Ân đã được trả hồ sơ điều tra bổ sung. Kết luận giám định thể hiện trước, trong và sau ngày gây án, Nguyễn Thiên Ân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy. Vào thời điểm gây án, Ân mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bị chi phối bởi ảo giác.
Luật sư Phạm Văn Thạnh - người xót thương cho hoàn cảnh của bà Thơm đã nhận lời bào chữa miễn phí, đã dành rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu vụ án. Ông Thạnh cho rằng hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn. Kết luận giám định pháp y cho thấy Nguyễn Thiên Ân vẫn còn bệnh, vì vậy cần phải đưa Ân đi chữa bệnh bắt buộc hoặc trưng cầu giám định tâm thần cho bị cáo.
Đề nghị của luật sư Thạnh đã được HĐXX chấp thuận.
Hạnh phúc khi con trở về
Phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai vừa diễn ra tại TAND quận Bình Thạnh.
Bà Thơm được người bạn dìu đến tòa. Bà khóc khi nghe thấy tiếng bị cáo, khi sờ thấy đôi tay con bị còng.
Mắt đau mà bà Thơm không dám đi mổ vì sợ con hầu tòa mà mình không có mặt, cộng với việc hai năm qua khóc con quá nhiều đã khiến bà bị mù hẳn.
Vị chủ tọa phiên tòa đã dành nhiều thời gian để hỏi giám định viên xem bị cáo gây án là do sử dụng chất kích thích hay do bệnh tâm thần?
Vị giám định viên giải thích cặn kẽ: "Bị cáo bị rối loạn tâm thần do dùng ma túy trong thời gian dài. Nếu không có thuốc bị cáo sẽ xuất hiện triệu chứng trầm cảm, lo âu. Ngoài ra còn bị rối loạn tri giác, mắc chứng ảo thanh giả, nếu không được đáp ứng thuốc sẽ rất dễ gây án".
"Bị cáo thấy mẹ nhưng lại nghĩ đó không phải là mẹ. Bị cáo nghĩ đó là người xấu xa nguy hiểm nào đó nên mới đánh" - Ân trả lời khi tòa hỏi tại sao lại đánh khiến mẹ bị thương tích 67%.
Riêng bà Thơm thì một mực phủ nhận mọi quyền lợi của bị hại trong vụ án. Bà dùng mọi lý lẽ của người mẹ để bảo vệ cho đứa con của mình.
"Tôi không bị làm sao, không hiểu sao kết luận giám định lại cho ra thương tích tới 67%. Tôi cũng không nhờ ai làm đơn tố cáo, không đề nghị khởi tố con tôi. Sao lại bắt giam con tôi hơn hai năm nay?"- Bà Thơm nói giữa tòa. Việc xét hỏi nhiều lần phải dừng lại vì bà quá xúc động.
Đại diện VKS cho rằng bị cáo không thuộc trường hợp phải điều trị bệnh bắt buộc. Việc bị hại có yêu cầu khởi tố hay không không phải là căn cứ để khởi tố bị cáo mà chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, bị cáo có nhiều tình tiết tăng nặng như nhân thân xấu, nghiện ma túy nhiều lần, đánh người trên 70 tuổi.
Tuy nhiên, vị đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên bị cáo hình phạt dưới khung để bị cáo có cơ hội thể hiện sự ăn năn hối cải, được chăm sóc mẹ những ngày cuối đời.
Bị truy tố về tội cố ý gây thương tích với khung hình phạt từ 5 - 15 năm tù nhưng đại diện VKS chỉ đề nghị xử phạt bị cáo từ 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù
"Chúng tôi mẹ góa, con côi chỉ dựa vào nhau mà sống. Xin toà án, viện kiểm sát xót thương cho hoàn cảnh mẹ con tôi. Nếu không có con tôi bên cạnh tôi không thể nào sống được!" - người mẹ mù nức nở trình bày.
Cân nhắc hoàn cảnh của bà Thơm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo mức án 2 năm 6 tháng tù, bằng với thời gian tạm giam.
Đôi chân khụy xuống, nước mắt lăn dài trên má khi bà Thơm nghe giải thích con trai bà được trả tự do ngay tại tòa, được trở về trong vòng tay của bà ngay trong sáng 20-4.
Nhiều người biết câu chuyện của bà Thơm đã ái ngại: Cho bị cáo về nhà thì bà và những người xung quanh có gặp nguy hiểm nữa không? Hay bị cáo chỉ là gánh nặng thêm cho bà?
Đáp lại những câu hỏi ấy, bà Thơm nói: "Tôi thương con vì từ nhỏ đã bị bỏ rơi và chịu nhiều thiệt thòi. Mẹ con tôi sẽ nương tựa vào nhau mà sống…"
Có lẽ đã hiểu lòng mẹ nên khi được nói lời sau cùng, bị cáo khẩn cầu: "Tòa xử bao nhiêu con đi tù bấy nhiêu. Chỉ xin tòa cho con được về sớm chăm sóc mẹ. Con về nhà sẽ lo uống thuốc chữa bệnh đàng hoàng chứ không gây chuyện nữa!".
Bình luận (0)