Vài tháng nay, khi VTV chiếu bộ phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng", nhiều người coi đây là dịp kể "tội" mẹ chồng, thậm chí coi bà mẹ chồng trong phim là điển hình của xấu tính, là nguyên nhân của mọi mâu thuẫn, bất hoà trong cuộc sống của con dâu. Có nhiều chị lập tức liên hệ với mẹ chồng mình, dùng chuyện trên phim để cạnh khoé mẹ chồng và gia đình nhà chồng mà không hề nghĩ ngược lại xem mình đã đối xử với mẹ chồng, với gia đình chồng như thế nào. Nói như thế để thấy rằng, chuyện mẹ chồng - nàng dâu đã là câu chuyện muôn thuở, mang sẵn nhiều định kiến.
Trên thực tế, có nhiều cặp mẹ chồng - nàng dâu yêu thương nhau hơn cả mẹ con ruột, bởi họ biết suy nghĩ cho nhau, biết đặt mình vào vị trí của người kia để sống. Khi người con dâu gây tội, đặc biệt là gây tội ác với cháu ruột của mình, theo tâm lí thông thường thì các bà mẹ chồng sẽ căm thù, nguyền rủa con dâu vì khiến gia đình bà mất đi niềm hi vọng, nhưng, cũng có những người mẹ chồng hiểu, thông cảm và sẵn sàng tha thứ cho con dâu, bởi họ biết, con dâu làm như vậy bởi bệnh tật hoặc suy nghĩ nhất thời...
Điển hình là chuyện bà Hoàng Thị Nguyệt, 69 tuổi, ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội - là mẹ chồng của Phan Thị Trinh, 19 tuổi - đối tượng vừa gây ra vụ sát hại con trai hơn 1 tháng tuổi gây xôn xao dư luận.
Nguyên nhân của vụ án đã được làm rõ, đó là Trinh bị trầm cảm nặng. Nhiều người lên án Trinh nhẫn tâm giết con trai mình. Bên cạnh đó, một luồng dư luận khác thông cảm, xót thương cho bà mẹ trẻ này bởi họ hiểu rằng, Trinh hành động như vậy vì không ý thức được hành động của mình.
Là một trong những người gánh chịu nỗi đau, bởi bà Nguyệt là bà nội của cháu bé, cũng là người hàng ngày chăm chút cho mẹ con Trinh, bế ẵm, nâng niu đứa cháu nội của mình. Lúc phát hiện cháu nội bị sát hại trong chính chiếc chậu hàng ngày mình vẫn tắm cho cháu, bà Nguyệt gần như chết lặng vì đau đớn.
Khi cơ quan làm rõ kẻ gây ra cái chết cho cháu bé lại chính là con dâu bà, mặc dù vô cùng đau đớn nhưng với lòng vị tha của một người mẹ từng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, bà trải lòng, rằng mình sẵn sàng tha thứ cho con dâu, bởi Trinh là người hiền lành, ngoan ngoãn. Bà hiểu, Trinh hại cháu bé là do bị bệnh chứ chẳng người mẹ nào nỡ làm hại đứa con dứt ruột đẻ ra của mình...
Cách đây ít năm, tôi cũng từng gặp một bà mẹ chồng như thế - một bà mẹ chồng có hoàn cảnh éo le hơn cả bà Nguyệt khi cô con dâu xinh đẹp sát hại đứa cháu lành lặn, phải đi tù, bỏ lại cho vợ chồng bà đứa cháu nội bị bệnh bại não, không thể tự chăm sóc bản thân.
Đó là bà Nguyễn Thị Khoa ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá - là mẹ chồng của Cao Thị Bình, 32 tuổi, trú cùng thôn. Bình với con trai bà Khoa là Lê Vạn Vụ yêu nhau, cưới nhau trong sự chúc phúc của hai bên gia đình.
Lúc mới lấy nhau, hai vợ chồng khá hạnh phúc, nhất là sau khi sinh con trai đầu lòng là cháu Lê Vạn Hùng. Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang khi cháu Hùng lớn lên có biểu hiện không bình thường. Gia đình đưa cháu đi khám "chết đứng" khi biết cháu bị bại não bẩm sinh.
Cũng vì con bệnh tật, yếu đuối nên Bình không đi làm được mà ở nhà mở cửa hàng vừa may quần áo, vừa trông con. Bố mẹ chồng Bình ở gần cũng chạy qua chạy lại giúp đỡ con dâu trông cháu nội.
Do kinh tế khó khăn nên chồng Bình phải ra Hà Nội làm thuê, kiếm tiền chữa bệnh cho con. Vài năm sau, Bình có thai rồi sinh cháu thứ 2 đặt tên là Lê Vạn Dũng với mong muốn đứa con thứ 2 sẽ khoẻ mạnh hơn anh trai nó.
Trời không phụ lòng người, cháu Dũng lớn lên khoẻ mạnh, khôi ngô. Dù vậy, kinh tế gia đình Bình vẫn chưa khấm khá hơn, anh Vụ vẫn phải làm thuê ở Hà Nội, còn Bình vừa ở nhà trông con vừa bán hàng tạp hoá.
Do chồng đi vắng, một mình phải chăm sóc 2 đứa con, một đứa còn bé, đứa kia bại não nên Bình thấy vô cùng mệt mỏi, căng thẳng. Không có người chia sẻ khó khăn, Bình gọi điện cho chồng bảo không làm thuê nữa về chăm con nhưng anh Vụ không đồng ý.
Nghi ngờ chồng có người khác càng khiến Bình căng thẳng hơn. Không biết chia sẻ với ai nên Cao Thị Bình tìm đến thầy bói mong giải toả những khúc mắc của mình. Không ngờ, thầy bói "phán" tương lai của Bình mờ mịt khiến cô chán nản, đau khổ hơn.
Về nhà, Bình gửi đứa con trai đầu cho mẹ chồng rồi dùng gối sát hại cháu Lê Vạn Dũng - 5 tháng tuổi. Sau khi cháu Dũng chết, Bình lấy xe đạp bỏ đi lang thang, bất định. Cho đến khi nghe mọi người đồn kháo nhau chuyện có người mẹ giết con rồi bỏ đi, Bình mới sực tỉnh, đạp xe quay về.
Có lẽ, thời điểm đó, Bình cũng bị trầm cảm sau sinh nhưng không ai biết, khiến cô không có lối thoát, gây nên tội. Gặp Bình ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá, cô như tàu lá úa, chả thiết tha gì, Bình bảo, em chỉ muốn chết.
Cán bộ Trại tạm giam cho biết, Bình nhiều lần muốn tự sát. Chính vì vậy, Trại tạm giam Thanh Hoá phải cử hẳn 2 cán bộ thường xuyên gặp gỡ, động viên Bình, cử thêm một phạm nhân có kinh nghiệm sống, có kiến thức vào ở cùng với Bình để động viên, chia sẻ, giúp đỡ Bình để cô dần vượt qua nỗi đau và bệnh tật. Dần dần, Bình nguôi ngoai.
Cô bị kết án 12 năm tù - mức án mà ai cũng cho là quá nặng đối với một người mẹ trong hoàn cảnh như cô. Nhưng Bình không kháng án. Cô chấp nhận hết, chỉ mong sớm trở về nuôi đứa con trai bệnh tật.
Sau khi xét xử, tôi gặp lại người mẹ trẻ này, cô cho biết, bản thân may mắn được gia đình nhà chồng đối xử rất tốt, đặc biệt là mẹ chồng. Bà không giận cô vì đã giết đứa cháu nội lành lặn, khoẻ mạnh của bà, mà bà tha thứ, thương cô như con đẻ mình. Hàng ngày, người bà khắc khổ đó vừa phải làm việc gia đình, đồng áng, vừa phải chăm sóc đứa cháu nội có lớn nhưng chẳng có khôn.
Vài năm sau, tôi gặp Bình khi cô thụ án ở Trại giam số 5. Hôm đó, bà Khoa đưa cháu Hùng lên thăm mẹ. Đứa con trai gần 10 tuổi nhưng chưa biết đứng, chẳng biết đi khiến ai cũng xót lòng.
Gánh nặng đó bà Khoa gánh hết nhưng bà không trách Bình. Bà bảo: "Cái Bình nó là người tốt, giá như lúc đó, tôi chia sẻ hơn, giúp đỡ nhiều hơn, có lẽ cháu đã không gây ra sự việc như vậy". Bây giờ, ông bà đã nhiều tuổi, chỉ mong Bình sớm được trở về để nuôi con.
Nhìn tôi, Cao Thị Bình rưng rưng: "Chị ạ, em cũng là người may mắn, được bố mẹ chồng thương, thông cảm. Tại lúc đó em quẫn quá". Bình bảo, cô chẳng biết gì về bệnh trầm cảm sau sinh, chỉ duy nhất một điều là lúc nào cũng thấy trong người chán nản, mệt mỏi, muốn chết, muốn xa rời cuộc sống.
Chính vì vậy, người đầu tiên mà Bình nghĩ đến là phải "đưa" cháu Dũng đi bởi Bình nghĩ rằng, cháu Dũng chính là nguồn cơn mọi sự đau khổ của mình và cũng nghĩ nếu mình chết đi không ai nuôi con cho mình. Cũng chính vì suy nghĩ lệch lạc đó, lại không biết chia sẻ cùng ai nên khi nghe lời ông thầy bói "phán", Bình đã sát hại con mình...
Những bà mẹ chồng như bà Nguyệt, bà Khoa thực sự là những người có lòng nhân ái, bởi họ đã vượt qua nỗi đau mất cháu, sẵn sàng tha thứ cho đứa con dâu tội lỗi của mình. Bởi họ hiểu, dù thế nào thì sự tha thứ mới giúp cuộc đời này tươi đẹp hơn. Đối với Phan Thị Trinh, dù sau này, bị đi chữa bệnh hay đối mặt với án tù sát hại con mình thì chúng tôi mong rằng, cô hiểu được tình cảm, tấm lòng của mọi người, đặc biệt là mẹ chồng mình để sống tốt hơn...
Bình luận (0)