Trong đơn ly hôn gửi TAND huyện Ba Tri (Bến Tre), chị T. trình bày chị với anh Ph. làm đám cưới và đăng ký kết hôn năm 1997. Thời gian đầu họ chung sống êm ấm nhưng sau đó thì phát sinh mâu thuẫn, thường xuyên cãi vã.
Theo chị T., nguyên nhân chủ yếu là anh Ph. muốn nuôi tôm sú công nghiệp. Chị không đồng ý nhưng anh Ph. vẫn một mực làm theo ý mình và nuôi tôm dẫn đến thua lỗ, nợ nần. Vậy mà anh Ph. còn “cứng đầu”, hở ra là chửi mắng chị.
Cạnh đó, do sống chung bên nhà chồng, gặp cảnh nợ nần, chị thường xuyên bị anh chị em chồng cạnh khóe, mắng chửi đủ điều. Những lúc ấy, anh Ph. chứng kiến mà không lên tiếng một lời để bảo vệ chị.
Sự việc diễn ra nhiều lần, quá sức chịu đựng nên chị bỏ về nhà mẹ ruột ở. Hai người đã ly thân từ tháng 9-2015. Một thời gian sau, chị lên TP.HCM làm để kiếm tiền lo cho con ăn học. Anh Ph. cũng hay gọi điện thoại cho chị nói chuyện hàn gắn nhưng chị không muốn quay trở lại.
Tuy nhiên, vì thương con nên cuối năm 2015 chị trở về sum họp với chồng để cùng lo cho các con. Vậy mà chưa được vài hôm, ngay mùng 4 Tết, em của anh Ph. lại chửi mắng chị thậm tệ. Anh Ph. cũng chẳng có một lời nào bênh vực chị. Chị thấy quá chán nản, thấy tình trạng hôn nhân với anh Ph. đã trở nên trầm trọng, không thể hàn gắn nên yêu cầu tòa giải quyết cho ly hôn.
Về việc nuôi con, chị T. trình bày hai người có ba con chung. Con đầu đã trưởng thành, riêng hai con sau còn nhỏ, chị yêu cầu giải quyết theo nguyện vọng của hai cháu (sống cùng anh Ph. từ lúc vợ chồng ly thân). Nếu hai cháu muốn sống chung với chị, chị sẽ nuôi dưỡng mà không yêu cầu anh Ph. cấp dưỡng. Ngược lại, nếu hai cháu muốn sống cùng anh Ph., chị cũng đồng ý nhưng không cấp dưỡng. Về tài sản chung và nợ chung, chị không yêu cầu tòa giải quyết.
Làm việc với tòa, anh Ph. thừa nhận nguyên nhân vợ chồng mâu thuẫn xuất phát từ việc anh nuôi tôm thua lỗ dẫn đến nợ nần. Anh chị cần có sự đồng ý của anh chị em trong nhà cho bán đất của ông bà để lo trả nợ nên khi anh chị em của anh có chửi chị T. thì anh cũng cố gắng nhẫn nhịn nhằm cho qua chuyện... Những chuyện khác, anh Ph. cũng trình bày tương tự lời chị T.
Anh Ph. nói còn thương vợ con, muốn gia đình hàn gắn nên không đồng ý ly hôn. Về ba con chung, nếu có ly hôn, anh Ph. cũng chịu là con theo ai thì người ấy nuôi và không yêu cầu cấp dưỡng.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Ba Tri đã chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị T. Anh Ph. kháng cáo đề nghị TAND tỉnh Bến Tre bác đơn ly hôn của chị T. để vợ chồng đoàn tụ.
Mới đây, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm đã cố gắng hòa giải hai người. Tuy nhiên, tại phiên tòa chị T. vẫn một mực xin ly hôn, còn anh Ph. thì lại không đưa ra được biện pháp đoàn tụ vợ chồng mà chỉ nói trong phần xét hỏi rằng “sau này có điều kiện sẽ cất nhà ra ở riêng”. Chính vì vậy HĐXX đã bác kháng cáo của anh Ph., giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ly hôn theo yêu cầu của một bên
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
(Theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)
Bình luận (0)