xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc chiến xuất phát từ căn nhà tiền tỉ ở quận 3

Di Lâm

(NLĐO) - Bản án đã xử lý dứt điểm vụ việc về mặt pháp lý, song hai chị em ruột ấy vẫn quyết ăn thua đủ với nhau vì căn nhà ở quận 3 có giá trị tương đối lớn

84 tuổi, cụ N.T.P. (ngụ tỉnh Bình Dương) không đến dự phiên tòa phúc thẩm mà ủy quyền cho con gái tham gia vụ kiện mà cụ kiện chính con gái lớn của mình.

Phát hiện con lừa dối, mẹ đòi nhà

Tại phòng xử, đại diện nguyên đơn và bị đơn - hai chị em ruột không hỏi han nhau mà chỉ liên tục khích bác, nói xấu lẫn nhau. Họ nhìn nhau đầy thù hằn, hậm hực.

Nếu không theo dõi diễn biến phiên xử, có lẽ không ai biết họ từng sống chung dưới một mái nhà.

Theo hồ sơ, cụ P. yêu cầu tòa án hủy hợp đồng tặng cho căn nhà giữa vợ chồng cụ với người con gái lớn tên N.T.C. Vợ chồng cụ có 5 người con (2 trai, 3 gái).

Khi cơ quan chức năng xác định cụ ông mất năng lực hành vi dân sự, bà N.T.C. nói rằng cha mẹ cần chuyển quyền sở hữu căn nhà ở quận 3 (TP HCM) cho người khác. Nếu không, Nhà nước sẽ thu hồi. Tin con, năm 2015, hai cụ làm hợp đồng tặng cho bà C. căn nhà trên. Mọi thủ tục đều do bà C. sắp đặt. Một thời gian sau, phát hiện con gái không trung thực nên cụ P. đòi lại tài sản. Tuy nhiên, bà C. không nghe lời cha mẹ, nhất định không trả căn nhà. Từ đấy, mâu thuẫn trong gia đình càng ngày càng gay gắt.

Bà C. lý giải: "Lúc làm thủ tục tặng cho, cha mẹ tôi hoàn toàn tự nguyện. Hơn nữa, trong 5 chị em, tôi nhận trách nhiệm chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ. Hai cụ hiểu tôi không có ý tranh giành nên tặng nhà nhằm bù đắp khoản chi phí tôi bỏ ra tu sửa, gia cố căn nhà và chăm sóc cha mẹ". Bà C. cho rằng cha mẹ bất chợt đổi ý do có người khác xúi giục. Chính vì thế, bà C. nhất quyết không trả tài sản.

Khi cấp sơ thẩm tuyên bà C. thua kiện, bà C. kháng cáo.

Cuộc chiến xuất phát từ căn nhà tiền tỉ ở quận 3 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Cuộc chiến không hồi kết

Phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn và bị đơn - hai chị em ruột tiếp tục không ngừng chỉ trích lẫn nhau.

"Tôi muốn cha mẹ tôi có mặt tại tòa để HĐXX trực tiếp xác minh, từ đó đánh giá việc tặng cho xuất phát từ tinh thần tự nguyện, không ai ép buộc hay lừa gạt ai", bà C. đề nghị. Không chỉ vậy, bà một mực khẳng định mình chỉ quản lý, sử dụng chứ không hề chiếm đoạt.

Ngược lại, đại diện nguyên đơn trình bày ở những lần xử trước, cha mẹ dù già yếu nhưng cố lặn lội đường xa, từ TP Bình Dương lên quận 3 giải quyết vụ việc. Song, bà C. cố tình vắng mặt. Do đó, việc bà C. yêu cầu cha mẹ phải có mặt tại phiên phúc thẩm hoàn toàn không có cơ sở.

Không khí căng thẳng. Cuộc đấu lý mỗi lúc một dữ dội.

Thấy vậy, chủ tọa phiên tòa cố gắng hòa giải: "Hai bên nên nghĩ đến cha mẹ mà bỏ qua hiềm khích. Việc cần làm là giải quyết vụ việc một cách hợp lý, hợp tình chứ không phải "vạch áo cho người xem lưng" thế".

Dường như, các thành viên trong gia đình cụ P. chưa thể "thấm" lời khuyên ấy. Hai bên nhất quyết không dừng cuộc cãi vã.

Diễn biến đi quá xa buộc vị chủ tọa xử lý cứng rắn hơn. Bà nói: "Ông bà ta có câu "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Các anh chị không thiếu tiền, không nghèo khó. Hơn nữa, cha mẹ cực khổ nuôi nấng, giúp anh chị ra nước ngoài, ăn học thành tài. Vậy, mọi người cần gì đối xử gay gắt với nhau như thế".

Vị chủ tọa chia sẻ khi đọc hồ sơ vụ việc, bà rất đau lòng vì những người liên quan cùng lớn lên từ một tổ ấm. Nguyên đơn gần đất xa trời vẫn chịu cảnh gia đình xào xáo.

Đến đây, hai bên im lặng.

Đại diện nguyên đơn mong tòa phúc thẩm hủy hợp đồng tặng cho như án sơ thẩm tuyên trước đó. Trái lại, bị đơn đề nghị tòa hủy bản án sơ thẩm, tạo điều kiện giúp gia đình giải quyết nội bộ.

HĐXX nhận định do thiếu hiểu biết pháp luật và tin tưởng con gái nên vợ chồng cụ P. mới chấp thuận tặng cho căn nhà. Chưa kể, nhiều tài liệu, giấy tờ chứng minh bà C. có tính toán, chuẩn bị trước khi thuyết phục cha mẹ tiến hành chuyển quyền sở hữu. Vì những lẽ trên, HĐXX phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, yêu cầu bà C. hoàn trả quyền sở hữu căn nhà.

Bản án đã xử lý dứt điểm vụ việc về mặt pháp lý. Song, vấn đề tranh chấp trong gia đình cụ P. chưa thể kết thúc. Có lẽ, những người trong gia đình sẽ cần thêm khoảng thời gian rất dài để thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo