Buổi sáng giá lạnh của miền sơn cước, người Hre dắt díu nhau đến UBND xã Sơn Thủy (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) theo dõi phiên tòa xử lưu động.
Hành xử bản năng
Chen trong ánh mắt tò mò là vài giọng vang lên hỏi thăm bị cáo Đinh Văn Bằng (20 tuổi) đứng trước vành móng ngựa. Bằng cũng chỉ có ánh mắt trân lên nhìn đứa trẻ đang ngồi trong lòng mẹ và hỏi vài câu bằng tiếng Hre không được hồi đáp.
Theo cáo trạng, Bằng và vợ là chị Đinh Thị Chăm (19 tuổi) có mâu thuẫn chuyện vợ chồng từ nghi kỵ ghen tuông. Không kiềm chế được bản thân, Bằng dùng dao giải quyết mâu thuẫn.
Ba nhát dao cuồng giận ấy khiến Chăm bị thương tật 60%, còn Bằng lao ra rừng tìm lá ngón để kết liễu đời mình nhưng bất thành.
Tại tòa, Bằng thừa nhận hết hành vi phạm tội của mình. Chủ tọa hỏi đến đâu, Bằng gật đầu đến đó.
"Tại sao bị cáo lại đâm chị Chăm?" - tòa hỏi. Bằng trả lời như trút bỏ cơn bực tức chưa kịp xóa trong lòng: "Bị cáo đi làm cực khổ kiếm tiền, nó chỉ ở nhà chăm con mà còn lăng nhăng. Bị cáo nói nó cãi, tức quá nên bị cáo đâm".
Chăm ngồi hàng ghế đầu tiên trong phiên xử, không có lời bao biện trước "cáo buộc" của Bằng.
Trước ngày làm việc tày trời, Bằng đang quanh quẩn trong rẫy rừng ở Lâm Đồng làm thuê. Quần quật làm việc, đến cuối ngày Bằng mới có thời gian rảnh gọi điện hỏi thăm vợ con ở quê nhà. Những cuộc cãi vã xuyên qua từng đợt sóng âm.
Không ai nhịn ai, Chăm thậm chí thừa nhận có tình cảm với người khác. Bằng tức tối, bắt xe ngay trong đêm về nhà để nói chuyện. Kết cục là vụ án xảy ra.
Tuổi 18 non xanh, Bằng hành xử theo bản năng của một người vừa bước qua tuổi vị thành niên. Câu trả lời của Chăm lý giải sự ngoại tình của mình cũng đầy bản năng: "Tôi ở nhà buồn quá, có nói chuyện với mấy đứa con trai trong làng, rồi đi chơi, cà phê chứ có gì đâu. Với lại, tôi không thích nó nữa, nó đi suốt bỏ tôi với con ở nhà".
Tức tối, Bằng đáp trả: "Tao đi làm vì ai, mày nhìn tay tao chai sần nè". Chăm lập tức phản pháo: "Nhưng tao không thích mày nữa".
Chủ tọa lắc đầu ngao ngán trước suy nghĩ của cả hai, đề nghị không tranh cãi để phiên tòa tiếp tục.
Xét thấy động cơ phạm tội của Bằng có một phần lỗi của bị hại, tòa tuyên án 2 năm tù giam đối với Bằng. Bản án này nhẹ nhưng khiến cả hội đồng xét xử và người đại diện pháp lý cho bị cáo đều thấy nặng lòng.
Luật sư Đoàn Nhật Nam, đại diện pháp lý cho Bằng, tâm sự: "Đây là phiên tòa con nít, buồn vì nhận thức của đôi bên như trẻ con dù đã làm cha, làm mẹ rồi".
Bằng và Chăm tại phiên tòa - Ảnh: N.N.
Hai đứa trẻ cưới nhau
Khi Bằng 14 tuổi thì Chăm mới 13 tuổi, đáng ra phải ngồi ở trường học "lận lưng" thêm vài con chữ thì lại nảy sinh yêu đương tuổi học trò. Chẳng ai ngăn cản bởi cha mẹ Bằng và Chăm cũng trở thành vợ chồng khi ở tuổi này. Thế là hai đứa trẻ nghỉ học.
Ngày Bằng 16 tuổi, Chăm 15 tuổi, một đứa trẻ ra đời. Mối tình con nít ấy được gia đình đồng thuận. Bằng chứng là một lễ cưới hỏi theo đúng phong tục người Hre được cha mẹ đôi trẻ tổ chức.
Không có lấy tờ hôn thú, chỉ có Giàng (Trời) chứng giám, họ chính thức về sống chung nhà, mặc pháp luật không cho phép.
Không có đất sản xuất, sống bám vào cha mẹ một thời gian thì nhu cầu vật chất cho tổ ấm buộc Bằng phải rời làng đi làm thuê.
Tuổi mới lớn, Chăm vẫn thích được yêu thương chăm sóc, những đồng tiền đẫm mồ hôi của chồng không giúp Chăm thoát khỏi lời tán tỉnh của trai làng. Chăm đi quá giới hạn của một người phụ nữ có chồng. Cái kết đau lòng xảy ra tất yếu.
Khi tra tay vào còng rời khỏi phiên tòa, Bằng ôm con lần cuối trước lúc thi hành bản án, nhưng đứa con khóc ré trên đôi tay của cha do sợ người lạ khiến Bằng bật khóc ngon lành.
Nước mắt ngăn cản lời nói yêu thương của một người cha dành cho con. Những người đàn ông Hre trải đời, gai góc đến chừng nào cũng chỉ còn biết khoanh tay ngồi co ro nhìn theo dáng Bằng dần khuất sau cánh cửa xe tù.
Chen trong cái lạnh là tiếng thở dài và những nhóm người làng tụm lại bàn tán bằng thứ ngôn ngữ của đồng bào mình.
Dù đã lên chức nội ngoại nhưng cha mẹ của cả Bằng và Chăm đều còn rất trẻ. Chưa ai bước qua tuổi 40, như các con, họ từng trải qua mối tình con nít. Trong phiên tòa hôm ấy, ánh mắt xót xa của người cha và tiếng khóc của người mẹ là thứ thanh âm muộn màng.
Rất nhiều đôi trẻ trạc tuổi Bằng và Chăm đứng lấp ló ngoài cửa sổ theo dõi phiên xử. Không biết ai trong số họ đang yêu nhau, hoặc đã thành vợ chồng. Nhưng con số thống kê đáng buồn là có hơn 700 vụ tảo hôn ở các xã vùng sâu vùng xa tỉnh Quảng Ngãi.Chắc gì sẽ không có thêm phiên tòa như hôm nay nếu tình trạng tảo hôn không được chặn đứng...
Cái vòng luẩn quẩn này khi nào mới dứt?
Luật sư Đoàn Nhật Nam, Trung tâm Hỗ trợ pháp lý tỉnh Quảng Ngãi, cho biết phiên tòa này có lẽ không cần lời bào chữa của người đại diện pháp lý cho bị cáo.
Đơn giản bởi tòa cũng hiểu rõ câu chuyện từ cáo trạng và đối chất giữa đôi bên. Rất buồn và xót xa.
"Tôi chẳng muốn thấy thêm bất kỳ phiên tòa nào như vậy nữa. Nhưng cái vòng luẩn quẩn này đến khi nào mới dứt đây?" - ông nói.
Bình luận (0)