Và hằn thù, và ân hận cũng chỉ vì cái ngõ đi chung.
Mâu thuẫn từ... cái rãnh nước
Ngõ Đông Nhị (thuộc thôn Bạch Trũ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội) dài khoảng 110m, có hình cầu vồng. Trong ngõ có 10 hộ dân sinh sống hòa thuận, tối lửa tắt đèn có nhau. Các hộ dân đều có mối quan hệ gần gũi, họ hàng thân thích nhau. Thế nhưng, chỉ vì một cái cống thoát nước, các hộ gia đình trở nên mâu thuẫn, xung đột, thậm chí đánh nhau dẫn đến thương tích.
Cụ thể, 5 hộ dân phía trong ngõ do không có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt nên nước thải bị ùn ứ, bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi sinh sôi nảy nở bay vào nhà dân. Do đó, các hộ dân phía trong đã làm đơn gửi chính quyền xã, huyện về phương án làm cống thoát nước chảy từ trong ra ngoài đầu ngõ. Thế nhưng, 5 hộ bên ngoài lại không đồng tình, vì cho rằng, việc làm cống có thể làm hư hại nhà ở, công trình phụ của họ. Suốt từ năm 2012 đến năm 2016, chính quyền xã tổ chức 4 cuộc hòa giải không thành tại đây. Chính quyền còn mời cả đơn vị thiết kế về thẩm định, lên kế hoạch thi công nhanh và hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến các hộ dân bên ngoài nhưng họ vẫn gây cản trở, không cho thi công.
Do hiềm khích từ trước, từ bố mẹ đến con cái của các hộ dân bắt đầu “đấu khẩu” nhau. Trong đó, gia đình bà Phương - ông Bang (hộ phía trong) và gia đình Đỗ Văn Nguyễn (hộ phía ngoài) là mâu thuẫn gay gắt nhất.
Sáng ngày 24/7/2016, khi công an xã cùng phóng viên về quay phóng sự làm công tác thi công rãnh thoát nước của ngõ, bà Phương bế cháu đứng xem cùng các con thì gặp Nguyễn. Vốn tức nhau từ trước, Nguyễn và bà Phương xô xát, cãi cự nhau. Đỗ Hoàng Yến (con trai bà Phương) đứng cạnh lên tiếng bênh mẹ thì bị Nguyễn cầm mũ cối đánh vào đầu, sau đó cầm gạch ném trúng chân. Thấy anh bị đánh, em trai Yến ra can ngăn và đánh lại Nguyễn. Nguyễn chạy về nhà lấy dao phay ra “phòng thủ”. Gặp ông Bang ra, Nguyễn cầm dao chém ông Bang, khiến ông Bang bị thương ở tay và sau gáy, tổn thương 3% sức khỏe.
Trước đó, một vụ án mạng xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) cũng bắt nguồn từ… một con ngõ đi chung. “Nút gỡ” cho những mâu thuẫn kéo dài đó là tội Giết người bị truy tố.
Gia đình anh Nguyễn Đình Phúc (49 tuổi) và bị cáo Trương Đình Thủy (50 tuổi) sát vách nhau, đi chung 1 con ngõ. Thủy ham rượu chè, cứ uống rượu là nói nhiều, chửi bới ầm ĩ. Cái con ngõ đi chung cũng trở thành “chướng ngại vật” trước mắt Thủy. Nhà anh Phúc nuôi 1 đàn vịt, thỉnh thoảng có mấy con vịt chạy lên ngõ, cản đường đi lối lại của người hàng xóm. Xô xát xảy ra, Thủy ôm hận vào lòng. Nửa đêm, gã đi uống rượu về, rồi tiếp tục chửi mắng cả nhà hàng xóm.
Sau khi được can ngăn, gia đình anh Phúc tiếp tục vào ngủ, thì Thủy hùng hục đi mua 4 lít xăng mang sang nhà anh Phúc, vừa bật lửa, đổ xăng vừa dọa đốt chết cả nhà hàng xóm. Rất may, ý định đó được ngăn chặn kip thời. Anh Phúc đã làm đơn ra công an để tố cáo hành vi của Thủy.
“Nút gỡ” là ở nghĩa tình
Nguyễn bị truy tố tội Cố ý gây thương tích. TAND huyện Mê Linh tuyên phạt Nguyễn 16 tháng tù và bồi thường cho ông Bang 13 triệu đồng. Ngày tòa xử, cũng là lúc chính quyền xã phải cưỡng chế thi công xây dựng cống thoát nước cho các hộ dân. Các hộ dân bên trong thoát nước ra ngoài cống chính của thôn, nên không còn hiện tượng bốc mùi hôi thối, hay nước ngập vào nhà như trước. Hệ thống công trình phụ của các hộ dân bên ngoài cũng không bị ảnh hưởng gì. Thế mà, vì lo sợ ảnh hưởng quyền lợi của mình, các hộ gia đình tuyên bố từ mặt nhau, dẫn đến xô xát và hậu quả là người vào tù, người bị thương.
Những ngày Nguyễn chịu án phạt, vợ Nguyễn mang 10 triệu đồng bồi thường thiệt hại cho ông Bang. Chị thay chồng xin lỗi hàng xóm, đồng thời xin ông Bang vì tình nghĩa láng giềng mà làm đơn giảm nhẹ hình phạt cho chồng chị. Gia đình Nguyễn là hộ nghèo, Nguyễn là lao động chính trong nhà, hai con còn nhỏ, bố mẹ đã cao tuổi. Những hộ dân bên ngoài cũng lên tiếng để ông Bang có thể bỏ qua cho Nguyễn.
Phiên phúc thẩm tại TAND Hà Nội mới đây chỉ có Nguyễn và ông Bang. Nguyễn chỉ bồi thường 10 triệu đồng, nhưng ông Bang đồng ý không đòi thêm bồi thường của bị cáo. Ông bảo: “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, chỉ vì chút tranh chấp trong hệ thống kênh thoát nước mà dẫn đến sự việc đau lòng. Tôi xin Tòa có thể cho bị cáo được hưởng án treo để về cải tạo tại địa phương, lo cho gia đình”. Sau phút nghị án, Tòa đồng ý cho Nguyễn được hưởng án treo.
Thời gian tạm giam đã giúp bị cáo Thủy ngộ ra rất nhiều điều về hành vi phạm pháp của bản thân. Bị cáo thú nhận do nóng giận, và không làm chủ được hành vi của mình. Trước lúc gây án, bị cáo còn uống rượu nên càng khó kiểm soát hành vi hơn. Tuy nhiên, trong sự việc này, gia đình anh Phúc cũng có lỗi. Lẽ ra, tài sản chung của cả hai gia đình là con ngõ đi chung, anh Phúc cần phải ý tứ và và bảo vệ nó, đằng này, anh lại thả vịt để chạy rông trên ngõ gây khó khăn cho việc đi lại. Khi được nhắc nhở, anh Phúc cũng cần góp ý chứ không nên “đổ dầu vào lửa”, gây ra ức chế cho bị cáo. Bị cáo Thủy bị tuyên án 10 năm tù giam.
Các gia đình sống cạnh nhau đôi khi chỉ vì những mâu thuẫn bắt nguồn từ những việc rất nhỏ từ ứng xử, ý thức vì cộng đồng của một gia đình nào đó. Nhưng nếu một bên góp ý chân thành, nhẹ nhàng, còn một bên đón nhận sự góp ý đó bằng thái độ tích cực thì nếp sống văn minh, tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng mới được xây dựng bền vững.
Bình luận (0)