. Biên tập viên NGỌC LÝ (Báo Người Lao Động):
Trí tuệ con người thực là "màng lọc" cần thiết
![Làm chủ công nghệ số- Ảnh 1. Làm chủ công nghệ số- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2024/6/20/11-ngoc-ly-1718894783808770377960.jpg)
Biên tập viên Ngọc Lý hướng dẫn trải nghiệm “Chạm” Báo Xuân qua màn hình tương tác của gian trưng bày Báo Người Lao Động tại Hội báo Toàn quốc năm 2024. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép các nhà báo trẻ có thêm không gian sáng tạo trong sản xuất tác phẩm báo chí nhờ việc tổng hợp thông tin nhanh chóng, gợi ý nhiều khía cạnh cho cùng một đề tài. Hơn nữa, AI tạo sinh còn có khả năng tạo hình ảnh, giọng nói, văn bản..., giúp nhà báo tiết kiệm thời gian, công sức trong bối cảnh báo chí số, báo chí đa phương tiện chạy đua mạnh mẽ như hiện nay.
Tuy nhiên, AI chưa thể thay thế hoàn toàn nhà báo trong tác nghiệp báo chí. Những công cụ này không nhạy cảm trước các thông tin chính trị - xã hội; có nguy cơ tạo ra tin giả, tin sai sự thật. Vì vậy, việc kiểm chứng thông tin, hình ảnh bảo đảm đúng quy định pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của người làm báo là rất quan trọng.
Hiện chưa có công thức chung cho các tòa soạn trong việc ứng dụng AI vào sản xuất báo chí số. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi phóng viên có cách ứng dụng AI theo nhu cầu và mục đích khác nhau. Song, dù ứng dụng công cụ này như thế nào, các phóng viên, nhà báo trẻ nên xem đây như một trợ thủ đắc lực để hoàn thành công việc nhanh và thuận lợi hơn, thay vì lạm dụng và bị AI điều khiển.
Để làm chủ AI, nhà báo trẻ cần trau dồi kiến thức, có bản lĩnh vững vàng và thường xuyên cập nhật xu hướng công nghệ, học cách sử dụng thành thạo các ứng dụng. Suy cho cùng, trí tuệ con người thực vẫn là "màng lọc" cần thiết để kiểm duyệt sản phẩm do AI làm ra.
. Phóng viên LÊ VĨNH (Báo Người Lao Động):
Để không bị bỏ lại phía sau
![Làm chủ công nghệ số- Ảnh 2. Làm chủ công nghệ số- Ảnh 2.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2024/6/20/11-le-vinh-1718894815708971848826.jpg)
Phóng viên Lê Vĩnh tại trụ sở Báo Người Lao Động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Báo chí số" không còn là khái niệm xa lạ mà đã hiện diện trong dòng chảy của báo chí - truyền thông, len lỏi và tác động sâu rộng đến thói quen của bạn đọc. Phóng viên trẻ không thể đứng ngoài xu hướng này.
Thuộc thế hệ gien Z và được làm việc trong môi trường báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, tôi có nhiều thuận lợi để tiếp cận và bắt nhịp với xu hướng báo chí số. Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động liên tục tổ chức các khóa đào tạo về báo chí số cho phóng viên, tạo nền tảng quan trọng về kiến thức, kỹ năng để sản xuất các tác phẩm báo chí trên môi trường số.
Điều quan trọng là bản thân mỗi phóng viên phải luôn nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của báo chí số. Từ đó, chủ động tiếp cận, cập nhật và ứng dụng thành thạo, linh hoạt công nghệ AI vào công việc để không bị "bỏ lại phía sau".
Dẫu vậy, công nghệ số cũng có thể khiến phóng viên vướng vào những vấn đề về bản quyền, độ chính xác của thông tin, tính pháp lý...; đòi hỏi cần có sự nhạy cảm, hiểu biết và không ngừng trau dồi kiến thức, nghiệp vụ.
. Phóng viên ảnh HOÀNG TRIỀU (Báo Người Lao Động):
Nên xây dựng thương hiệu cá nhân
![Làm chủ công nghệ số- Ảnh 3. Làm chủ công nghệ số- Ảnh 3.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2024/6/20/11-tao-video-ai-bang-wondershare-virbo-cho-chuyen-muc-phan-tich-euro-2024-cung-mc-so-tren-bao-nld-online-2-171889484863363584855.jpg)
Phóng viên ảnh Hoàng Triều tạo video bằng Wondershare Virbo cho chuyên mục Phân tích Euro 2024 cùng MC số trên Báo Người Lao Động điện tử. Ảnh: LINH LINH
Trong môi trường báo chí số, ngoài việc thường xuyên cập nhật xu hướng công nghệ mới có thể ứng dụng vào sản xuất báo chí, phóng viên, nhà báo trẻ còn cần nắm vững những kỹ năng kỹ thuật số. Chẳng hạn, sử dụng phần mềm tạo ra nội dung đa phương tiện (video, podcast, infographic, eMagazine); tối ưu hóa nội dung cho SEO; sử dụng các công cụ phân tích để theo dõi và đánh giá hiệu quả của bài viết...
Khi được phân công tác nghiệp tại lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Phủ Chủ tịch vào tháng 9-2023, do số lượng phóng viên được tham dự rất hạn chế, tôi đã kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, tác nghiệp trên nhiều nền tảng để có thể tạo ra các sản phẩm báo chí với loại hình đa dạng, đáp ứng nhiều đối tượng độc giả. Bên cạnh đó, việc số hóa tư liệu, hình ảnh sau lễ đón này, cũng như sau mỗi sự kiện, để dễ dàng truy cập bất cứ lúc nào, đáp ứng nhu cầu tức thời cũng được tôi chú trọng.
Sau khóa đào tạo "Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí số" do Báo Người Lao Động phối hợp với đơn vị đào tạo tổ chức, tôi được phân công làm chuyên mục Phân tích Euro 2024 cùng MC số. Chỉ cần 3 bước để tạo ra một video sử dụng người dẫn chương trình "ảo" với giọng đọc đa vùng miền, có cảm xúc. Mất 20-30 phút là có thể hoàn thành một bản tin video chuyên nghiệp trong khi nếu ghi hình MC thật hay thu âm sẽ tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức hơn.
Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cá nhân cũng rất quan trọng trong môi trường báo chí số. Các phóng viên, nhà báo trẻ có thể xây dựng kênh cá nhân hoặc kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo... nhằm quảng bá bài viết, lan tỏa thông tin... đến độc giả.
Nhà báo ĐỖ THIỆN - Thư ký Tòa soạn, Trưởng Ban Media Báo Pháp Luật TP HCM:
Thách thức lớn nhất là có bài viết hay, hữu ích
![Làm chủ công nghệ số- Ảnh 4. Làm chủ công nghệ số- Ảnh 4.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2024/6/20/11-ocphoto740571580-17188949369151807531180.jpg)
Áp dụng tư duy số, ứng dụng công nghệ có thể là vấn đề khó khăn với những thế hệ được sinh ra và trưởng thành trong "thời đại báo in" nhưng với các nhà báo trẻ, nhất là thế hệ gien Z, thì ưu thế nhiều hơn thách thức.
Tôi quan sát thấy nhiều nhà báo trẻ nghĩ ra những cách thể hiện tác phẩm độc đáo, sáng tạo, tạo được sự thích thú khi đọc - xem - nghe. Họ đa năng trong tác nghiệp, không chỉ viết tốt, chụp ảnh đẹp mà còn có thể làm video, infographic..., thậm chí ứng dụng công nghệ - trong đó có AI - để thực hiện sản phẩm báo chí.
Vậy đâu là thách thức lớn nhất với các nhà báo trẻ? Tôi nghĩ đó là nội dung (content) của sản phẩm báo chí. Chúng ta cần nhớ bản chất của báo chí là thông tin, còn hình thức sẽ thay đổi theo thời gian. Ví dụ, ở một số nước như Mỹ, Anh, báo in đang quay trở lại với những thay đổi lớn, khác với một số dự báo cho rằng loại hình này sẽ "thoái trào". Cũng từng có những công ty truyền thông tự tin cho rằng có thể dùng YouTube tạo ra "tờ báo", thách thức lại các trang báo điện tử và truyền hình truyền thống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giai đoạn sử dụng mạng xã hội để làm báo đang dần trôi qua, trong khi các tờ báo lớn tập trung phát triển báo điện tử và "nghĩ cách làm khác" đối với báo in.
Vì vậy, tôi cho rằng các nhà báo trẻ, giỏi công nghệ cần đầu tư để tạo ra những tuyến bài sâu, sắc sảo, có tác động tích cực, sâu rộng đến xã hội. Giữa hàng triệu, thậm chí hàng tỉ sản phẩm được tạo ra mỗi ngày trên các phương tiện báo chí - truyền thông, những bài viết có độ sâu về thông tin (báo chí dữ liệu), có tính nhân văn cao và góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội (báo chí giải pháp)... có thể tạo ra những khác biệt nhiều ý nghĩa.
Bình luận (0)