Nhiều chị em phụ nữ có thể vì nghề nghiệp phải đứng cả ngày hoặc chỉ vì theo đuổi một chiều cao lý tưởng mà để đôi chân bị hành hạ - họ tự vừa gây đau vừa làm biến dạng bàn chân.
Bàn chân là điểm xa nhất của tầm mắt nên nó thường bị chúng ta quên bẵng. Chị em chỉ bị giật mình khi có một ai đó phát hiện ra và buông một câu bình luận: "chân gì mà thô vậy" hoặc tế nhị hơn: "trông chân có vẻ vất vả và già hơn tuổi".
Có người bỏ nhiều tiền để mua giày loại đắt, dũa và sơn móng nghệ thuật liên tục nhưng bản thân da bàn chân thì không hề chú ý tới. Những người chuyên đi giày gót cao gặp nhiều phiền toái với bàn chân nhưng họ thường lờ đi, lâu ngày biến thành dị tật.
Mồ hôi chân
Không chịu đựng được giày và tất trong khoảng thời gian ngắn, bàn chân và tất ướt đẫm mồ hôi.
Giải pháp: chọn tất (vớ) chất liệu 100% cotton, mua giày da chất lượng cao của các hãng tên tuổi. Rắc phấn chuyên dụng vào giày và xoa phấn vào các kẽ ngón chân.
Xông hơi bàn chân với nước sắc lá xương xông hoặc lá trầu không. Trong trường hợp cần thiết có thể nghĩ đến việc giải phẫu cắt hạch giao cảm -gây đổ mồ hôi tại một số vùng trong cơ thể như nách, bàn tay, bàn chân...
Sưng đau ngón chân
Hiện tượng sưng đau ngón chân khi đi giày dép thường theo di truyền. Những người mắc bệnh cảm thấy sưng và đau phần chính giữa và khớp những ngón có điểm tỳ mạnh với khuôn giày.
Giải pháp: Từ bỏ thói quen đi giày cao, chật, mõm hẹp. Khi mua giày chọn loại đế bằng, cao nhất là 3-4cm. Khi thử giày, nếu cảm thấy chưa ôm chân cần sử dụng miếng lót loại mềm. Với trường hợp hay sưng đau ngón cái và ngón trỏ, nên đặt miếng lót bông nhỏ nằm giữa 2 ngón. Chiều tối cần xoa bóp phần lòng bàn chân và giữa các ngón cho máu lưu thông.
Nhói đau do viêm thần kinh bàn chân
Khi bước chân lâu trong giày da cứng và chật bàn chân cảm thấy nóng, chói đau ở một số điểm giống như giẫm phải đá nhọn. Khi bàn chân bị bó chặt, các ngón bị nén sát vào nhau, gây căng tức dây thần kinh giữa các ngón.
Giải pháp: Chọn giày rộng, gót thấp, có lỗ thoáng hở và đế cao su dẻo. Khi mua giày, cần có tư vấn của người bán hàng để tìm ra miếng lót dán đúng vị trí đỡ bàn chân. Nếu đau nhói nhẹ có thể dùng thuốc giảm đau nhưng nếu thấy hiện tượng nhói mạnh kéo dài dẫn đến nhiễm trùng cần tìm đến bác sĩ để có chỉ định điều trị.
Khó bước, có gai ngầm trong gót lòng bàn chân.
Giai đoạn đầu cảm thấy đau gót mỗi bước chân đi, sau đó gai càng to càng gây đau nhói. Có thể gai hình thành từ xương gót. Cảm thấy đau nhói ở điểm chính giữa phần thịt của gót dưới. Bệnh thường xuất hiện ở những người hay mang vác nặng quá sức.
Giải pháp: Không nên chọn giày quá cứng nhưng cũng không được đi giày đế mỏng và quá mềm. Từ bỏ những công việc mang vác nặng. Chọn giày ôm vừa bàn chân và khuôn giày đóng chắc chắn. Cần đặt miếng lót đặc biệt chất liệu silicon.
Trong giời gian đau gót tập luyện như sau: ngồi trên ghế, gác chân lên nhau sao cho gót đau tì lên gót không đau. Dùng bàn tay kéo bàn chân đau về phía người, lưng vẫn thẳng để cánh tay căng lên như dây đàn, sau đó thả lỏng. Lặp lại 3 lần. Nếu thấy gai ở gót đau nặng thêm cần khám bác sĩ để có chỉ định tiêm hoặc uống thuốc điều trị khớp.
Đau gót, giãn mạch, nổi gân
Đau phần gót đồng thời các đường gân và mạch máu nối mắt cá xuống gót phình nở- là đã bước vào quá trình viêm. Nguyên nhân thường do đi giày cao gót, giày chật bó cứng phần đáy và sau gót.
Giải pháp: chọn giày mềm, độ cao gót 2-3 cm, tốt nhất là đi loại giày sục để thoáng gót. Cần đến các bác sĩ để được chỉ định xoa bóp và điều trị bằng kháng sinh chống viêm.
Chai chân và da "cùi dừa"
Da phần lòng bàn chân dày, thô cứng do lâu ngày đi giày không hợp lý. Giày quá chật, lòng giày cứng sẽ tạo các mảng chai chân ngày càng dày và lan rộng. Nhưng nếu đi giày rộng quá cỡ, bàn chân phải cố bám để giữ thăng bằng, sau một thời gian cũng bị chai sần.
Giải pháp: thay đổi mẫu giày êm mềm, đế mỏng. Hàng ngày trước khi tắm ngâm chân trong nước ấm, sau đó dùng đá bọt mài phần da chai sần. Lưu ý: không mài sâu quá, không tự dùng dao cắt chai gây nhiễm trùng.
Trên thị trường đã có bán loại thuốc bôi trị chai chân hiệu quả, cần qua tư vấn bác sĩ để không bị lạm dụng thuốc -gây hỏng da vùng lân cận. Với bệnh nhân huyết áp và đái đường tuyệt đối không tự xử lý các cục chai chân theo các phương pháp "lang băm".
Nếu như chân bị nhốt cả ngày trong giày
- Tại công sở, ngồi bàn vi tính cả ngày, giữa buổi nên tháo giày để chân thông thoáng và nghỉ ngơi vào những lúc có thể.
-Buổi tối ngồi xem TV, tìm một cái ghế có độ cao bằng ghế đang ngồi để gác chân lên (cẳng chân và người tạo thành góc 45 ∙). Sau 20 phút trở lại tư thế ngồi bình thường, 30 phút sau gác chân trở lại.
- Mỗi tuần một lần, xoa tinh dầu massage, rồi dùng con lăn gỗ lăn mạnh lòng bàn chân, gót, đáy các ngón chân.
- Khi mỏi, ngâm chân với nước muối ấm.
- Lấy một vài viên đá tủ lạnh bọc vào vải xô màn, lăn đá vào lòng bàn chân, mắt cá và các kẽ ngón (tránh áp dụng với bệnh nhân huyết áp và đái đường).
- Trong lúc ngồi đọc sách báo hoặc lúc rảnh rỗi, lăn chân trên quả bóng tennis cho máu lưu thông.
- Đặt chân trần trên thảm, dùng chân vẽ những vòng tròn tưởng tượng theo chiều kim đồng hồ, sau đó đổi ngược lại.
Bình luận (0)