Ngày 12-8, theo thông tin của phóng viên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm điểm lại đối với từng cá nhân liên quan đến những tồn tại, sai phạm theo Kết luận số 85/KL-TTr ngày 25-3-2024 của Thanh tra tỉnh.
Trong đó, yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, đúng vai trò, đúng trách nhiệm đối với từng cá nhân khi tham gia đề án "Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" (gọi tắt là Đề án) theo Kết luận số 85/KL-TTr.
Từ đó, đối với với quy định của pháp luật xem xét và có hình thức xử lý phù hợp, nếu đủ điều kiện và đến mức phải xem xét xử lý theo quy định.
Cuối tháng 6-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Tài chính Lâm Đồng đã tổ chức họp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan theo theo Kết luận số 85/KL-TTr.
Hai cán bộ của Sở Tài chính có liên quan gồm một Phó Trưởng Phòng Quản lý Giá và Công sản (thời điểm xảy ra tồn tại là Phó Trưởng Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp, là lãnh đạo phụ trách trực tiếp) và một Phó Trưởng Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp (thời điểm xảy ra tồn tại là chuyên viên Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp; là chuyên viên tham mưu trực tiếp) phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Sở Tài nguyên và Môi trường có 3 công chức liên quan. Trong đó, có 2 công chức thuộc thẩm quyền xử lý của Giám đốc Sở gồm Chánh văn phòng và một Phó chánh văn phòng của Sở. Hội đồng kỷ luật của Sở đã bỏ phiếu, thống nhất không xử lý kỷ luật, đề xuất nghiêm túc rút kinh nghiệm với 2 người này.
Công chức còn lại là ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thuộc thẩm quyền xử lý của Chủ tịch UBND tỉnh. Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Kết luận số 85/KL-TTr chỉ ra những tồn tại, sai phạm trong công tác đấu thầu và thực hiện Đề án. Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật thuộc Trường đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội không căn cứ đơn giá của cơ quan nhà nước để áp dụng đối với đơn giá gỗ cốp-pha tại hạng mục đúc mốc cắm.
Đơn giá do đơn vị này lập là hơn 2,27 triệu đồng/m2 trong khi đơn giá theo Thông báo giá vật liệu xây dựng vào thời điểm 15-10-2021 chỉ gần 98.000 đồng/m2. Như vậy, chênh lệch gần 2,17 triệu đồng/m2, tức hơn 23 lần. Từ đó dẫn đến dự toán hạng mục cắm mốc lớn hơn quy định gần 18,9 tỉ đồng, gồm chênh lệch 8.317 mốc là gần 18,1 tỉ đồng và chi phí kiểm tra, nghiệm thu gần 800 triệu đồng. Việc này dẫn đến dự toán kinh phí thực hiện Đề án lớn hơn quy định, tạo kẽ hở cho các nhà thầu hưởng lợi khi thi công các gói thầu số 3,4,5.
Bình luận (0)