Ngay từ khi còn trẻ, bà Nguyễn Thúy Anh (quận 8, TP HCM) đã xác định phải tự lực cánh sinh trong mọi hoàn cảnh, trẻ thì sống bằng lương, già thì có lương hưu, không trở thành gánh nặng cho con cái. Do vậy, khi vào làm công nhân may tại Công ty CP Dệt may T.C (quận Tân Phú) bà mong muốn có việc làm, ổn định, lâu dài đến khi đủ tuổi về hưu. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty gặp khó khăn phải tái cơ cấu lao động, bà Anh lọt vào danh sách phải thôi việc.
Do tham gia BHXH muộn, khi nghỉ việc ở tuổi 54 bà Anh mới đóng BHXH được 20 năm. Sau đó, bà Anh không thể tìm được việc làm mới để tăng số năm đóng BHXH do lớn tuổi.
Đầu năm 2023, khi đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi (do có 15 năm làm công việc nặng nhọc độc hại), bà Anh làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí và nhận được mức lương hưu 2,1 triệu đồng/tháng. Đến tháng 8-2023, khi nhà nước điều chỉnh tăng, lương hưu bà Anh hiện là 2,5 triệu đồng/tháng. Không sống đủ với mức lương này, bà Anh xin phụ rửa chén tại quán cơm chay. Mỗi ngày bà làm việc 4 tiếng, lương 25.000 đồng/giờ.
"Tôi đóng BHXH 20 năm, mức bình quân lương đóng BHXH là 3.856.192 đồng, với tỉ lệ lương hưu là 55% thì mức hưởng là 2.120.906 đồng/tháng. Nhưng nếu giả sử tôi có thời gian đóng BHXH đạt tỉ lệ tối đa là 75% thì mức lương hưu cũng chỉ là 2.892.144 đồng/tháng, bằng khoảng 62% mức lương tối thiểu vùng hiện tại, nếu không đi làm thêm hay có nguồn thu nhập khác thì không thể sống với đồng lương này. Do vậy, nhà nước cần có tính toán hợp lý để người lao động có thể sống được bằng tiền lương hưu"- bà Anh kiến nghị.
Theo nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH, mức lương hưu tùy thuộc vào mức đóng và thời gian đóng. Tuy nhiên, có một thực tế là đối với người lao động làm việc tại khu vực ngoài nhà nước, tuổi nghỉ hưu và tuổi nghề có sự chênh lệch rất lớn. Quá 40 tuổi người lao động khó tìm việc làm mới nên khó theo đuổi việc đóng BHXH lâu dài để đạt mức lương hưu tối đa, dẫn đến việc chỉ đạt mức lương tương tự như bà Anh khá phổ biến.
Thực tế này khiến ông Phạm Quang Tuấn (CN Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (quận 6) khá ái ngại. Ông Tuấn đóng BHXH được 26 năm và chỉ còn vài năm nữa sẽ đủ tuổi nghỉ hưu. Ông chia sẻ: "Giữa việc nhận BHXH một lần với công việc ổn định và có lương hưu khi về già, tôi đã chọn vế sau. Tuy nhiên, khi chứng kiến nhiều CN nhận mức lương hưu thấp, tôi rất lo lắng vì dù có nghỉ hưu thì trên vai cũng còn nhiều trách nhiệm phải lo với gia đình."
Theo ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Fuji Impluse (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM), hiện nay các nhà làm luật và Quốc hội luôn khuyến khích người lao động ở lại với quỹ BHXH, tiếp tục đóng và hưởng lương hưu mà không nhìn thẳng vào vấn đề lương hưu hiện nay quá thấp. "Ở Nhật giá chai nước suối 20 năm trước và hiện nay không thay đổi. Trong khi ở Việt Nam, tỉ lệ trượt giá vô cùng cao. Cùng khoản tiền đó nhưng cách nhau 20 năm là một vấn đề. Với vật giá như hiện nay, lương hưu chỉ ở khoảng 2-3 triệu đồng thì làm sao người lao động sống nổi"- ông Khoa nhìn nhận. Để thu hút người lao động ở lại với quỹ BHXH để hưởng lương hưu, ông Thoa đề xuất nên tính thêm tỉ lệ trượt giá vào lương hưu hoặc khi tính bình quân mức lương đóng BHXH để tính lương hưu chỉ lấy mức lương của 5 năm đóng cuối cùng.
Bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nikkiso (KCX Tân Thuận, quận 7) cho rằng việc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động không đúng với mức lương thực tế vẫn còn khá phổ biến dẫn đến lương hưu thấp. Vì vậy, phải có giải pháp và lộ trình để điều chỉnh mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hoặc điều chỉnh mức lương tối thiểu sao cho tiệm cận mức sống tối thiểu để làm căn cứ đóng BHXH. Chỉ có như vậy, lương hưu mới đủ sống và hấp dẫn được người lao động. Mặt khác, để người lao động có điều kiện tham gia BHXH lâu dài, từ đó tăng mức hưởng hưu, nhà nước cần có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn doanh nghiệp sa thải lao động lớn tuổi. Đồng thời, cần kéo giảm sự chênh lệch giữa lao động nam và nữ về thời gian đóng - hưởng các chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng nhiều - hưởng để tạo động lực cho lao động nam khi tham gia BHXH.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM, để khuyến khích người lao động tham gia BHXH lâu dài, nên cho phép người lao động, nhất là những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, được quy đổi số năm đóng BHXH vượt mức hưởng tỉ lệ hưu tối đa để hưởng chế độ hưu trí sớm. Bởi do đặc thù nghề nghiệp, họ khó có đủ sức khỏe để bám trụ đến tuổi nghỉ hưu, hơn nữa doanh nghiệp cũng không mặn mà sử dụng lao động trên 40 tuổi. Bên cạnh đó, cần xem xét lại mức trừ 2% cho mỗi năm người lao động nghỉ hưu sớm vì mức trừ quá cao, làm kéo giảm tiền lương hưu của người lao động. Trong khi đó, nếu vượt số năm đóng 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam chỉ được hưởng mức trợ cấp hưu trí một lần tương ứng với 0,5% tháng lương bình quân đóng cho mỗi năm đóng thừa, không bằng mức hưởng BHXH một lần, nên không khuyến khích được người lao động gắn bó lâu dài.
Bình luận (0)