Người nông dân ấy là anh Trần Văn Thiện ở thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Anh Thiện kể ở các vùng miền núi Phú Yên hiện còn rất nhiều ong rừng tự nhiên. Từ khoảng tháng 2 đến tháng 9 âm lịch, ong thường chia đàn, tìm nơi thích hợp để làm tổ mới. Nếu biết những "ngôi nhà ong" ở nơi kín đáo, sạch sẽ, khô ráo như hốc cây to quanh vườn hay rẫy nhà, rồi mời ong đến làm tổ thì cứ vậy mà thu mật.
Anh kể, đầu năm 2021, khi vô tình lấy chậu hoa cũ để trồng mai, anh phát hiện có tổ ong đang làm mật bên trong một cái chậu lật úp để dưới bờ rào mát mẻ. Thấy thế, hai vợ chồng anh bèn nhẹ nhàng khiêng lên và ghép thêm vào một cái chậu khác cho không gian lớn hơn và để bảo vệ đàn ong. Đến tháng 7 âm lịch, vợ chồng anh ra xem thì thấy tổ ong to và đầy mật, thật thích thú. Thế nhưng để lấy may, năm ấy hai vợ chồng anh nhất quyết không lấy mật mà chỉ để cho vui nhà vui cửa.
Năm 2022, thấy ong tách đàn nhiều, lúc rảnh rỗi, vợ chồng anh làm thêm 10 cái "ngôi nhà ong" nữa cũng bằng cách úp 2 cái chậu kiểng lại với nhau rồi để xung quanh vườn nhà. Sau hai tháng, 2 vợ chồng kiểm tra và thật bất ngờ, ong đã đến ở 9/10 "ngôi nhà". Từ đó dến nay, thỉnh thoảng vợ chồng anh lại làm thêm những "ngôi nhà ong" để mời thêm nhiều đàn ong mới.
Mỗi "ngôi nhà ong" vợ chồng tôi thường lấy 2 cái chậu kiểng úp lại nhau, có 1 kẽ hở nhỏ cho ong bay ra bay vào, bên trên làm cái mái che đơn sơ bằng vật liệu bỏ đi, nhưng làm sao không ngã đổ khi mưa gió để đàn ong không bị động, bỏ đi rồi đặt cách nhau khoảng 2m là được. Cứ vậy là ong để ở xây tổ, tìm mật thôi" – anh Thiện kể.
Rồi anh làm thêm những "ngôi nhà ong" bên bìa rẫy để kéo đàn ong rừng về nhà mình. Thế nhưng khi ong đã làm tổ, việc đưa "nhà ong" từ rẫy về vườn nhà cũng lắm điều thú vị. Anh kể lần đầu tiên hai vợ chồng đem xe máy ra chở về tới nhà, đặt "ngôi nhà ong" xuống đất và mở mùng lưới ra là ong bỏ nhà bay đi hết. Hai vợ chồng ngỡ ngàng không biết chuyện gì. Đến khi mở nắp chậu kiểng ra kiểm tra thì mới biết tổ ong bên trong bị rụng và nát hết. "Kinh nghiệm từ lần đó, sau này hai vợ chồng dùng dây buộc nhẹ nhàng và khiêng về cũng nhẹ nhàng, lại thành công" – anh Thiện kể thêm.
Nuôi ong theo cách tự nhiên, giữ ong như bạn trong nhà nên việc thu hoạch mật cũng rất khéo léo, không ham hố lấy tận, nếu không ong sẽ bỏ đi hết. Trước đây, mỗi năm anh chỉ thu hoạch mật một lần vào khoảng tháng 6 đến tháng 7 âm lịch. Nay học hỏi thêm, anh thu hoạch mỗi năm 2 vụ vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 và cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch. Trước khi thu hoạch phải kiểm tra xem mặt sáp đã bít mật đều chưa. Khi thấy tổ ong đủ điều kiện lấy mật, anh nhẹ nhàng mở chậu, tách lấy các bánh ong lớn có nhiều mật và để lại 3 đến 4 bánh nhỏ hoặc có con non nhiều để ong yên tâm ở lại phát triển tổ cho mùa vụ tiếp theo.
Vì nuôi ong theo cách tự nhiên, nên mỗi năm số lượng mật ong gia đình anh thu hoạch không nhiều, chỉ khoảng 30 lít mật. Thế nhưng nhờ nuôi theo kiểu tự nhiên nên giá mật ong của gia đình được người dân mua vào khá cao, đến gấp đôi giá mật ong nuôi theo cách thông thường, tức khoảng 450.000đ/lít. Vậy là mỗi năm gia đình anh cũng bỏ túi từ 12 đến 15 triệu đồng. Đúng là làm chơi mà ăn thật như cách anh nói.
Bình luận (0)