ThS-BS chuyên khoa II HUỲNH THỊ THANH KIỀU, Trưởng Khoa Nội tim mạch 1 Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), trả lời: Theo thống kê của Mỹ, cứ mỗi 40 giây có một bệnh nhân đột quỵ, mỗi 4 phút có 1 người tử vong do đột quỵ.
Trong đó, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng đưa đến đột quỵ. Người có huyết áp cao > 160/100 mmHg tăng 4,3 lần nguy cơ bị xuất huyết não. Khoảng 50% người bệnh nhồi máu não có kèm tăng huyết áp. Người bệnh tăng huyết áp dễ bỏ thuốc hoặc không tái khám vì không có triệu chứng. Người bệnh thường bỏ qua, không điều trị cho đến khi có biến chứng, di chứng hoặc tử vong. Các nghiên cứu cho thấy khi kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu thì giảm được 30% nguy cơ đột quỵ, 25% nhồi máu cơ tim và 23% bệnh thận mạn.
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp, nếu dưới hoặc bằng 50 tuổi nên đo tầm soát huyết áp mỗi 6 tháng đến 1 năm/lần. Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, phải uống thuốc đều đặn, theo dõi mức huyết áp khi điều trị. Mức huyết áp mục tiêu thông thường là ≤ 130/80 mmHg, trừ một số trường hợp đặc biệt có mức mục tiêu khác sẽ được bác sĩ thông báo.
Bên cạnh đó, định kỳ (ít nhất mỗi năm 1 lần) làm các kiểm tra cận lâm sàng như tổng phân tích nước tiểu, tỉ lệ microalbumin/creatinin niệu, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm chức năng thận, đường máu, cholesterol máu, chụp võng mạc, siêu âm động mạch cảnh và đo ABI.
Ngoài ra, cần duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống hợp lý, giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cũng góp phần phòng ngừa các biến chứng do tăng huyết áp.
Bình luận (0)